Khoa học kỹ thuật và công nghệ tiếp tục có bước phát triển tích cực, tạo được nhiều kết quả nổi bật trong giai đoạn 2011-2015, đóng góp thiết thực vào nền kinh tế - xã hội của đất nước.

Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TƯ - đã nêu những kết quả nổi bật của phong trào thi đua toàn quốc, trong đó lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đạt nhiều thành tựu đáng kể.

PGS-TS Nguyễn Nhị Điền báo cáo tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX. Ảnh: Như Ý
PGS-TS Nguyễn Nhị Điền báo cáo tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX. Ảnh: Như Ý

Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng ngoạn mục

Theo Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan, trong lĩnh vực KH&CN, các phong trào thi đua đã giúp triển khai 377 mô hình thư viện điện tử để cung cấp thông tin khoa học, công nghệ đến cấp xã. Mô hình thư viện điện tử đã giúp đào tạo 1.000 kỹ thuật viên vận hành và hướng dẫn trực tuyến cho gần một triệu nông dân biết cách khai thác thông tin trên mạng, góp phần tạo nên những mô hình mới, cách làm sáng tạo...

“Các phong trào thi đua trong lĩnh vực KH&CN đã thu hút được sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhiều thành tựu đã được ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải…, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của các ngành, các lĩnh vực then chốt của đất nước” - Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan nêu rõ.

Báo cáo trước đại hội về thành tựu nghiên cứu, ứng dụng khoa học và kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, PGS-TS Nguyễn Nhị Điền - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Bộ KH&CN - nêu rõ hơn những đóng góp của KH&CN trong giai đoạn 2011-2015. Cụ thể, lĩnh vực khoa học cơ bản tiếp tục thu được những kết quả đáng ghi nhận. So sánh tổng số các công bố nói chung của giai đoạn 2010-2014 thì Việt Nam xếp vị trí thứ 59 trên thế giới, sau Malaysia (thứ 38) và Thái Lan (thứ 43) nhưng cao hơn Indonesia (thứ 62) và Philippines (thứ 66).

Theo ông Điền, một thước đo để đánh giá tổng thể về KH&CN ở Việt Nam là chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa công bố. Trong giai đoạn 2011-2015, chỉ số này của Việt Nam liên tục được cải thiện. Năm 2015, Việt Nam đứng thứ 52 trong 141 nền kinh tế. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ ba - chỉ sau Singapore và Malaysia, vượt Thái Lan.

“Đây là bước tăng bậc ngoạn mục của Việt Nam nhờ đầu tư cho phát triển KH&CN trong những năm vừa qua” - TS Điền nói.

Y tế, nông nghiệp cải thiện nhờ công nghệ hạt nhân

Nói về đóng góp của công nghệ hạt nhân, TS Điền dẫn ví dụ từ lò phản ứng hạt nhân (LPUHN) Đà Lạt. Sau 30 năm vận hành, sản phẩm và dịch vụ nhờ sử dụng LPUHN đã cung cấp cho các ngành y tế, công - nông nghiệp ngày càng được xã hội nhìn nhận. Cụ thể, dược chất phóng xạ sản xuất trên LPUHN đang cung cấp thường xuyên cho 25 bệnh viện có khoa y học hạt nhân trong cả nước, phục vụ chẩn đoán và điều trị cho khoảng 300.000 lượt bệnh nhân mỗi năm… Các ứng dụng của công nghệ bức xạ và kỹ thuật hạt nhân cũng được đưa vào dịch vụ chiếu xạ hàng nông - hải sản và đông dược để xuất khẩu.

Đặc biệt, kỹ thuật hạt nhân được ứng dụng để chiếu xạ đột biến tạo giống cây trồng từ nhiều năm nay. Giống lúa đột biến DT10 được tạo ra từ những năm 1990 mang đến tổng giá trị thu nhập hàng tỉ USD. Bốn giống đậu tương DT84, DT90, DT99 và DT2008 có năng suất cao, khả năng chịu sâu bệnh tốt hiện chiếm trên 50% diện tích đậu tương cả nước.

TS Điền chia sẻ: “Riêng về ứng dụng công nghệ hạt nhân trong nông nghiệp, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đã trao Việt Nam 3 trong 23 giải thưởng do thành tựu xuất sắc trong đột biến tạo giống nhằm phát triển giống cây trồng”.

Theo TS Điền, bên cạnh cơ chế, chính sách là động lực quan trọng để KH&CN phát triển, yếu tố con người đóng vai trò quyết định trong sự thành - bại của một chương trình KH&CN. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN cho quốc gia rất cần thiết và là quá trình đầu tư lâu dài. Họ cần có điều kiện thử thách thực tiễn qua các đề tài, dự án lớn cấp quốc gia, quốc tế.

“KH&CN có vai trò đích thực khi các kết quả nghiên cứu và sáng tạo được ứng dụng có hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Niềm vui của cán bộ KH&CN là các kết quả nghiên cứu của mình được ứng dụng vào đời sống” - PGS-TS Nguyễn Nhị Điền chia sẻ.