Ngày 2/11, tại Hà Nội, Vụ Công nghệ cao- Bộ KH&CN phối hợp với Ban Chủ nhiệm Chương trình KHCN vũ trụ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Khung Chương trình KHCN độc lập cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020”.

Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành liên quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao dục Đào tạo, Cục Tần số, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Tài nguyên Môi trường và các nhà khoa học của các Viện nghiên cứu, Trường đại học.

GS. TSKH Nguyễn Khoa Sơn, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, mục tiêu, nội dung và sản phẩm của Chương trình KHCN vũ trụ giai đoạn 2016-2020 kế thừa các nội dung và mục tiêu đã được phê duyệt cho chương trình giai đoạn 2012-2015 được bổ sung và điều chỉnh để phù hợp và đáp ứng hơn với yêu cầu thực tiễn.

Vệ tinh Vinasat của Việt Nam.
Vệ tinh Vinasat của Việt Nam.

Thông qua Chương trình sẽ thúc đẩy một số hướng nghiên cứu chọn lọc về KHCN vũ trụ có tiềm năng ứng dụng và phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt cho lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng KHCN vũ trụ, tạo được một số nhóm nghiên cứu mạnh, khai thác thành tựu KHCN vũ trụ trên thế giới.

Chương trình thành công sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ, thương mại hóa sản phẩm và từng bước hình thành thị trường trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ; đề xuất các định hướng và nội dung cho chiến lược phát triển và ứng dụng công nghệ vũ trụ của Việt Nam trong giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2040.

Tại hội thảo, các chuyên gia đều đánh giá cao kết quả đạt được của Chương trình trong giai đoạn vừa qua và cho rằng, giai đoạn tiếp theo cần đẩy mạnh việc đào tạo được các nhóm, đội ngũ nghiên cứu mạnh về ứng dụng công nghệ vệ tinh, là nơi cung cấp vệ tinh nhỏ, các công nghệ liên quan đến vệ tinh nhỏ trong khu vực. Quan trọng nhất Chương trình cần triển khai rộng rãi ra được các Bộ, ngành liên quan khác để đẩy mạnh ứng dụng trong thực tế.