Hà Nội và TPHCM sẽ chi hàng trăm tỉ đồng để triển khai vé xe buýt điện tử. Tuy nhiên để đánh giá hiệu quả của các dự án này cần thời gian, trong khi những bất cập khi đưa vé thông minh vào sử dụng đã bước đầu bộc lộ.

Sắp tới, khách đi xe buýt ở TPHCM chỉ cần sử dụng một loại vé điện tử duy nhất để thanh toán, tiết kiệm thời gian xếp hàng mua và kiểm soát vé.
Sắp tới, khách đi xe buýt ở TPHCM chỉ cần sử dụng một loại vé điện tử duy nhất để thanh toán, tiết kiệm thời gian xếp hàng mua và kiểm soát vé.

Hà Nội và TPHCM sẽ chi hàng trăm tỉ đồng để triển khai vé xe buýt điện tử với mục đích hiện đại hóa, tăng chất lượng phục vụ xe buýt, đồng thời giảm nhân sự trong hệ thống này, đặc biệt lực lượng thu vé hiện nay. Tuy nhiên để đánh giá hiệu quả của các dự án này cần thời gian, trong khi những bất cập khi đưa vé thông minh vào sử dụng đã bước đầu bộc lộ.

Mới là thí điểm

Ngày 6.10, vé tháng điện tử xe buýt chính thức được áp dụng thí điểm trên tuyến 06 (Giáp Bát - Cầu Giẽ của Hà Nội). Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội thì để triển khai thí điểm vé tháng điện tử xe buýt thông minh, 200.000 thẻ xe buýt điện tử (CICC) sẽ được phát hành miễn phí cho người sử dụng. Vé xe buýt tháng bằng thẻ nhựa có chip điện tử sẽ thay cho vé giấy. Khi lên xe, hành khách chỉ cần quẹt thẻ vào đầu đọc gắn ở gần cửa lên xuống để xác nhận vé hợp lệ, khi xuống, hành khách không cần quẹt thẻ.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, dự án nâng cao năng lực, cải thiện giao thông công cộng Hà Nội - TRAHUD 2 được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đã được các chuyên gia Nhật Bản giúp thành phố nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu, quy hoạch hiện đại hóa giao thông công cộng và nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân và ứng xử của lái, phụ xe buýt. Giai đoạn 2 sẽ triển khai thí điểm vé tháng điện tử tuyến buýt số 06. Số tiền dự kiến thực hiện gian đoạn 1 hơn 32 tỉ đồng, do nguồn vốn JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) tài trợ không hoàn lại.

Ông Hải cho biết: “Chủ trương của thành phố là làm thí điểm trên một tuyến trước tiên để tạo ra sự thay đổi ít nhất cho hành khách, để hành khách không có những thao tác và biến động lớn trong quá trình khai thác, sử dụng dịch vụ. Hành khách chỉ biết rằng họ được chuyển đổi với loại thẻ có chất lượng tốt, bền vững hơn”.

Tuy nhiên, việc triển khai không hề dễ dàng. Năm 2008, Tổng Cty Vận tải Hà Nội đã thí điểm sử dụng loại thẻ thông minh ở tuyến buýt số 32 (Nhổn - Giáp Bát). Kế hoạch này đã bị phá sản ngay sau đó. Nguyên nhân được xác định là do cơ quan thực hiện chỉ được áp dụng một tuyến, không mang tính phổ biến toàn mạng lưới nên gây bất tiện cho người sử dụng. Hơn nữa, việc chưa có chế tài xử phạt đối với hành khách không quẹt thẻ nên cũng gây khó khăn cho cơ quan quản lý.

Lần này, dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng hơn nhưng nhiều hành khách vẫn còn nhiều băn khoăn. Chị Hồng Thu - sinh viên Trường KTQD cho biết: “Hằng ngày tôi vẫn dùng xe buýt và cảm thấy tò mò về vé xe buýt điện tử thông minh. Thế nhưng bản thân tôi và nhiều hành khách vẫn còn e ngại bởi thực tế xe buýt ở Hà Nội hiện nay là vào giờ cao điểm, người lên xe buýt chen chúc lên xuống xe, nếu dùng thẻ điện tử và mắt đọc từng người sẽ mất rất nhiều thời gian và khó kiểm soát. Vé điện tử sẽ phù hợp hơn với những tuyết vắng khách. Còn những tuyến đông khách thì quả thật rất khó khăn”.

Lãnh đạo Tổng Cty Vận tải Hà Nội cho rằng, việc ứng dụng thẻ vé điện tử thông minh xe buýt là yêu cầu khách quan của sự phát triển đồng thời đây là cơ sở để bước đầu hành khách làm quen với hệ thống thẻ vé hiện đại, góp phần xây dựng văn minh xe buýt. Tới đây Transerco sẽ chủ động triển khai nhân rộng loại hình thẻ vé điện tử cho toàn bộ hệ thống xe buýt thông thường và kết nối với các tuyế buýt và tương lai là các loại hình vận tải công cộng nhanh khối lượng khác”.

TPHCM chi 263 tỉ cho vé xe buýt thông minh

UBND TPHCM cũng vừa duyệt dự án “Đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt” theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) với tổng mức đầu tư gần 263 tỉ đồng. Chi phí quản lý vận hành trong 10 năm là hơn 321 tỉ đồng.

Theo đó, dự án sẽ lắp đặt thiết bị soát vé trên tất cả các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP, bao gồm lắp đặt thiết bị soát vé điện tử trên xe, cài đặt thiết bị trạm tại đại lý bán vé, phòng hỗ trợ hành khách, triển khai thiết bị soát vé cầm tay. Theo lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, ưu điểm của loại vé điện tử là chỉ cần một loại vé duy nhất, hành khách có thể dễ dàng nạp tiền vào thẻ từ các kênh thanh toán điện tử. Với vé điện tử, hành khách không còn phải xếp hàng mua vé lượt như hiện nay; việc kiểm soát vé trên xe cũng nhanh hơn, mang lại sự tiện lợi cho người dân khi đi xe buýt. Ngoài ra, vé xe buýt điện tử còn khắc phục tình trạng gian lận vé, vé giả, hạn chế rủi ro thu phải tiền giả, tiền rách. Bên cạnh đó, loại vé điện tử cũng giúp cơ quan quản lý thu thập đầy đủ thông tin về nhu cầu đi lại của người dân phục vụ công tác quản lý, phân tích, quy hoạch mạng lưới tuyến; cũng như kiểm soát công tác trợ giá hiệu quả; linh hoạt triển khai chính sách giá vé nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Dự án sẽ cung cấp toàn bộ hệ thống thiết bị công nghệ, hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai giải pháp phần mềm, đào tạo nhân lực và thực hiện vận hành hệ thống vé điện tử. Thời gian thực hiện từ năm nay đến năm 2017.