Các doanh nghiệp có giải pháp công nghệ có thể ứng dụng, triển khai tại TPHCM hãy gửi đến UBND TPHCM để lãnh đạo bố trí lịch làm việc, lắng nghe các doanh nghiệp trình bày.

Với quan điểm TPHCM vừa là thị trường, môi trường trải nghiệm cho các doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng các giải pháp CNTT, Phó chủ tịch UBN TPHCM Trần Vĩnh Tuyến mong rằng các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) hãy chủ động hơn nữa khi làm việc với UBND TPHCM.

“Chúng ta ở vai trò ngang bằng với nhau, các doanh nghiệp không phải xin TPHCM. Thành phố sẽ phải đặt hàng các doanh nghiệp rất nhiều vấn đề để phát triển. Tôi xin khẳng định, chính quyền thành phố rất cần doanh nghiệp, vì không có doanh nghiệp sẽ không thể có tăng trưởng kinh tế, không có phát triển. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2017 là 8,4%. Đây là một chỉ tiêu cao, muốn đạt chỉ tiêu này thì doanh nghiệp đóng vai trò then chốt. Do vậy, lãnh đạo thành phố mong mỏi, kỳ vọng và chờ đợi sự đóng góp của doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) TPHCM”, ông Tuyến nói.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến tại buổi gặp gỡ đầu xuân với các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến tại buổi gặp gỡ đầu xuân với các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Theo ông Tuyến, đề án đô thị thông minh mà TPHCM đang xây dựng sẽ hướng đến việc dùng CNTT để giải quyết những vấn đề “nóng” của thành phố, như giao thông, chống ngập, nước thải…, thay vì dùng các giải pháp thủ công như hiện nay. CNTT còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TPHCM. Hơn nữa, TPHCM rất quan tâm đến phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp; nếu chọn sự phát triển phù hợp, đúng tầm và điều kiện thì lĩnh vực CNTT là rất phù hợp.

Trong buổi làm việc này, phó chủ tịch UBND TPHCM đã chính thức đặt hàng các doanh nghiệp CNTT cho giải pháp ứng dụng công nghệ ở 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn) để giải quyết các vấn đề nước ngập và nông sản sạch.

Trong năm 2017, TPHCM sẽ giao Sở thông tin và truyền thông TPHCM lên kế hoạch cho hội chợ để doanh nghiệp CNTT kết nối với chính quyền các cấp, qua đó doanh nghiệp giới thiệu các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử để cùng phối hợp giải quyết các vấn đề xử lý rác, giao thông, quản lý điện…

Theo ông Phí Anh Tuấn - phó chủ tịch HCA, buổi gặp gỡ với lãnh đạo TPHCM dịp đầu năm mới mang nhiều ý nghĩa, ngoài việc kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp CNTT với lãnh đạo UBND TPHCM, HCA sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền về CNTT, qua đó phổ biến các chủ trương của TPHCM cho các doanh nghiệp, cũng như ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp CNTT và góp ý cho các chương trình CNTT của TP.HCM. Tuy chỉ hoạt động tại TP.HCM nhưng số hội viên của HCA chiếm 70% lượng doanh nghiệp CNTT có quy mô lớn trên cả nước.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng kỳ vọng, trong năm 2017, các hội viên HCA sẽ được tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực khác nhau của TPHCM, nhất là dự án thành phố thông minh, hay tư vấn, phản biện các vấn đề CNTT của TPHCM...

Tương tự, ông Ngô Vi Đồng - chủ tịch VNISA phía Nam, cũng muốn VNISA phía Nam sẽ được tham gia tích cực hơn vào các dự án an ninh thông tin của TPHCM.

Ông Ngô Văn Toàn, phó tổng giám đốc Global Cyber Soft, phó chủ tịch Liên minh VNITO cho biết, VNITO là Hiệp hội các doanh nghiệp gia công xuất khẩu phần mềm VN, mới thành lập tháng 3/2016, hiện nay quy tụ hơn 70 doanh nghiệp chuyên về gia công xuất khẩu phần mềm.

Đầu năm 2017, Việt Nam hiện nay xếp hạng số 1 thế giới về lĩnh vực gia công phần mềm (ITO); TPHCM và Hà Nội nằm trong nhóm 20 thành phố gia công phần mềm tốt trên thế giới. Gia công phần mềm được cho là lĩnh vực thu về nhiều ngoại tệ nhưng không tốn quá nhiều nguyên vật liệu. “Tuy nhiên, để có thể phát triển mạnh, doanh nghiệp gia công phần mềm mong rằng Chính phủ và các bộ, ngành điều chỉnh chính sách để tạo thuận lợi cho ngành phát triển”, ông Toàn nói.

Ngoài việc sẽ tổ chức hội nghị quốc tế về gia công phần mềm lớn nhất với sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp phần mềm lớn trên thế giới, trong năm 2017, VNITO nhắm đến 3 mục tiêu: đưa Việt Nam thành một quốc gia mạnh về gia công phần mềm trên thế giới, chung tay thúc đẩy phát triển nhân lực gia công phần mềm để gỡ bỏ nút thắt cổ chai hạn chế phát triển công nghiệp phần mềm, phát triển mạnh hơn nữa vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp gia công phần mềm với chính quyền.