17 dự án chống ngập và xử lý nước thải được TPHCM kêu gọi các nhà đầu tư, nhà khoa học, doanh nghiệp,... trong và ngoài nước đề xuất giải pháp đầu tư bằng hình thức đối tác công – tư.

Các dự án được TPHCM kêu gọi đầu tư bao gồm: Xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải (7 nhà máy), ưu tiên công nghệ mới, hiện đại, tiết kiệm diện tích xây dựng, cũng như đảm bảo nhu cầu mở rộng trong tương lai; Cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch (6 tuyến) phù hợp với quy hoạch thoát nước trong tương lai, đồng bộ giải quyết các kênh chính, nhất là khu vực trung tâm thành phố; Xây 1 đê bao và 2 cống kiểm soát triều vòng ngoài của thành phố; Ứng dụng công nghệ mới xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.

Các dự án này được triển khai trong giai đoạn 2016-2020, với nguồn vốn đầu tư dự kiến gần 75 ngàn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương và thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 17 ngàn tỷ đồng.

Những thông tin nói trên được đưa ra tại Hội nghị Mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải tại TPHCM, do UBND TPHCM tổ chức ngày 9/8. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc và hơn 200 đại biểu đến từ bộ ngành, các tổ chức tài chính, đầu tư, nghiên cứu, … trong và ngoài nước tham dự.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, cho biết, trong thời gian qua, TPHCM đã tập trung nguồn lực để đầu tư các dự án chống ngập và xử lý nước thải. Từ năm 2011 đến nay, Chương trình giảm ngập nước là một trong 7 chương trình trọng điểm của thành phố. Với những nỗ lực đó, tình trạng ngập đã giảm. Tuy nhiên, đến nay, thành phố mới có 4.176/6.000km hệ thống cống, cải tạo được 4 trục tiêu thoát nước chính với chiều dài khoảng 60,3km, hoàn thành 2/12 nhà máy xử lý nước thải, thực hiện được 64/149km đê bao ven sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều lớn. Vì vậy, hiện thành phố đang cần một nguồn lực rất lớn để tiếp tục đầu tư các dự án chống ngập và xử lý nước thải.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TPHCM tìm hiểu các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân (bìa phải) và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nghe giới thiệu về các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải.

Tại Hội nghị, PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang – Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TPHCM - cho rằng, để khắc phục tình trạng ngập như hiện nay, thành phố nên xây dựng không gian điều tiết nước mưa dùng để chứa và trữ nước mưa tạm thời. Không gian điều tiết nước mưa có thể xây thành những hồ tập trung hoặc phân tán trong các khu dân cư, hộ gia đình. Theo TS Quang, phát triển không gian điều tiết nước mưa nên lồng ghép vào các hạng mục như hồ hiện hữu, hệ thống thoát nước, các dự án chỉnh trang đô thị, phát triển khu dân cư.

Các diễn giả trình bày tham luận tại Hội nghị
Các diễn giả trình bày tham luận tại Hội nghị.

Đại diện của Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCTECH cũng đưa ra giải pháp công nghệ Cross-wave của Nhật Bản ứng dụng trong xây dựng hồ ngầm để điều tiết nước mưa cho tỷ lệ chứa nước cao (95% thể tích lắp đặt), tiết kiệm thời gian thi công, không gây ô nhiễm môi trường, có thể chịu tải trọng lớn (xe tải 25 tấn),… Hồ điều tiết này đã được xây dựng thí điểm tại Quận Thủ Đức, TPHCM.

Trong xử lý nước thải, Công ty TNHH Oganica Technologies (Hungary) giới thiệu giải pháp xử lý bằng công nghệ sinh học. Theo đó, ngoài vi sinh vật, Oganica còn sử dụng thêm rễ cây thủy sinh làm tăng mật độ vi sinh để nâng cao hiệu quả xử lý nước thải. Giải pháp này giúp giảm 60% diện tích xây dựng, giảm 30% điện năng tiêu thụ, giảm 35% lượng bùn so với sử dụng hệ thống xử lý bằng công nghệ truyền thống.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, các dự án mời gọi đầu tư sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm TPHCM và một phần các lưu vực ngoại vi. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường nước, đời sống dân sinh,tạo cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường.

“Thành phố mong muốn các tổ chức tài chính, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra giải pháp, đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong quá trình thực hiện, TPHCM sẽ chọn các giải pháp công nghệ dựa trên kinh nghiệm, năng lực thực tế và công khai, minh bạch” – ông Tuyến nhấn mạnh.