Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, về giống vật nuôi, TP sẽ tập trung vào những lĩnh vực có thế mạnh là giống bò sữa, giống heo, giống bò thịt, giống dê, giống thủy sản.

Với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất, cung ứng giống nông nghiệp cho khu vực Nam Bộ, UBND TP.HCM vừa tổ chức liên tiếp 2 buổi hội thảo về ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ để phát triển nông nghiệp TP.HCM trở thành trung tâm giống gia súc và thủy sản, trung tâm giống cây trồng đáp ứng nhu cầu của nông nghiệp các tỉnh Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ.

Thế mạnh

Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, về giống vật nuôi, TP sẽ tập trung vào những lĩnh vực có thế mạnh là giống bò sữa, giống heo, giống bò thịt, giống dê, giống thủy sản thương phẩm và giống cá thịt. TP hiện có tổng đàn bò sữa 85.293 con, năng suất bình quân 16,27 kg/con/ngày. Giống bò sữa chủ yếu là bò lai Hà Lan (HF). Mỗi năm, TP cung cấp từ 20.000-24.000 con giống bò sữa cho TP và các tỉnh, doanh thu khoảng 500 tỷ đ/năm.

Đàn heo nái sinh sản của TP hiện khoảng 54.400 con. Hàng năm TP sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 1 triệu con heo giống các loại và hơn 1 triệu liều tinh heo giống. Giống bò thịt cũng là thế mạnh của TP, trên cơ sở NK hơn 1.000 con bò thịt giống Brahman và Droughmaster, đã nhân giống, lai tạo giống bò thịt có tỷ lệ thịt xẻ cao từ 52-54%, trọng lượng hơn 450-550 kg/con…

Về giống cây trồng, TP có thế mạnh là nơi có số lượng DN tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nhiều nhất cả nước (47 DN). Từ 2010-2016, các DN đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 81.000 tấn hạt giống các loại, trong đó có 12.109 tấn hạt giống rau. Ước tính lượng giống do các Cty trên địa bàn TP cung cấp hàng năm đáp ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng của TP và các tỉnh. Trong 6 năm qua, các DN cũng đã đưa vào thị trường 267 giống cây trồng mới. Bên cạnh đó, TP hiện có 35 phòng cấy mô, mỗi năm có khả năng sản xuất 16 triệu cây giống cấy mô các loại (chủ yếu là các giống lan).

Về sản xuất giống nông nghiệp nói chung, TP.HCM có những lợi thế lớn để có thể trở thành trung tâm giống cho cả khu vực Nam Bộ. Trước hết, TP là nơi có nhiều trường ĐH, Viện nghiên cứu của TƯ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học. TP có số lượng lớn các DN sản xuất, kinh doanh giống.

Trong nhiều năm qua, TP đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tiềm lực KHCN để hình thành Trung tâm Công nghệ Sinh học, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao… Các đơn vị này cùng với một số DN giống lớn đã đầu tư vào công tác nghiên cứu, xây dựng, bảo tồn nguồn gen cũng như tiến hành chọn tạo giống mới; các công nghệ mới trong công nghệ sinh học phục vụ lai tạo giống đã được ứng dụng…

TP đã xây dựng và triển khai Chương trình giống cây con chất lượng cao liên tục qua các giai đoạn 2005-2010, 2011-2015, 2016-2020 và từng bước triển khai một cách có bài bản để phát triển giống cây con phục vụ cho TP và cả khu vực.

Lấy DN làm trung tâm

Với những lợi thế như trên, TP.HCM cần phải làm gì để trở thành trung tâm giống cây con của cả khu vực Nam Bộ? Theo nhiều ý kiến tại các hội thảo, trước hết, cần phải tạo điều kiện để các DN sản xuất giống trên địa bàn TP có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Bởi theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, chủ lực trong sản xuất giống nông nghiệp phải là DN và vệ tinh của các DN giống chính là các HTX.

16-56-29_tp_hcm_thnh_trung_tm_giong_-_nh_2
Sản xuất giống hoa lan ở ngoại thành TP.HCM

Để DN giống phát triển được, phải giải quyết ngay bài toán đất đai. Ông Nguyễn Văn Thành, Chi hội trưởng Chi hội thương mại giống cây trồng ĐNB, cho hay, hầu hết các công ty giống ở TP.HCM đều đang phải thuê đất, tổ chức nghiên cứu, sản xuất hạt giống trên địa bàn các tỉnh ĐNB và ĐBSCL. Mong muốn của các DN là TP tạo điều kiện cho DN được thuê đất dài hạn 20-50 năm để tổ chức nghiên cứu, sản xuất lâu dài và ổn định. Ông Tô Thành Trung, GĐ Cty TNHH Giống cây trồng Trung Nông, cho biết, ngoài các công ty giống có nguồn gốc từ công ty quốc doanh nên đã sở hữu được một diện tích đủ lớn để sản xuất giống, những công ty giống còn lại hầu như có rất ít hoặc không có đất sản xuất.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, 55% diện tích đất của TP đang dùng để sản xuất nông nghiệp, vậy mà trong 3 năm qua, các DN giống đề nghị TP giao đất để sản xuất giống, vẫn chưa nhận được câu trả lời của UBND TP. Do đó, từ nay đến cuối năm, UBND TP phải trả lời được cho DN giống về việc giao đất sản xuất. Còn theo TS Đỗ Việt Hà, Phó trưởng ban Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, TP cần quy hoạch khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp để sản xuất giống.

Theo TS Dương Hoa Xô, PGĐ Sở NN-PTNT TP.HCM, DN giống cũng cần được tạo điều kiện tham gia vào chọn tạo giống, tiếp nhận giống tác giả để tổ chức sản xuất, thương mại hóa, được hỗ trợ về công nghệ, kinh phí nghiên cứu… Bên cạnh đó, TP cần đầu tư mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở sản xuất giống; đẩy mạnh ứng dụng KHCN; củng cố, phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng, dịch vụ ngành giống; nâng cao công tác quản lý nhà nước về giống cây con…

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM:

Nếu đã quyết định trở thành trung tâm giống cây con của cả Nam Bộ, TP.HCM cần đăng ký với Bộ NN-PTNT. Qua đó, Bộ cũng sẽ có trách nhiệm hỗ trợ TP trong việc trở thành trung tâm giống của khu vực, các đơn vị nghiên cứu của Bộ đứng chân trên địa bàn TP.HCM cũng sẽ tham gia tích cực vào việc đưa TP.HCM thành trung tâm giống của Nam Bộ.

UBND TP và Sở NN-PTNT cần rà soát lại những chương trình giống đã làm, chuyển từ việc thực hiện Chương trình giống cây con chất lượng cao thành Chương trình đưa TP.HCM trở thành trung tâm giống của Nam Bộ. Để trở thành trung tâm giống của cả khu vực thì phải tổ chức lại về sản xuất, thị trường…

GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện KHKTNN Miền Nam:

TP.HCM nên xem xét thực hiện đối tác công tư (PPP) trong công nghệ hạt giống. Thái Lan nhờ thực hiện tốt PPP trong công nghệ hạt giống mà hiện đang đứng đầu ASEAN, đứng thứ 3 châu Á và thứ 12 trên thế giới về XK hạt giống. Chính phủ Thái Lan đã thành lập các trung tâm hạt giống với tên gọi là dự án Seed Hub (Trung tâm hạt giống từng vùng), để hỗ trợ cho sản xuất và kinh doanh giống. 4 nội dung chính của chương trình: Hợp tác nghiên cứu với tư nhân để phát triển giống mới và công nghệ sản xuất hạt giống mới; hoàn thiện tiêu chuẩn phẩm chất hạt giống; phát triển nguồn nhân lực; giúp đỡ hệ thống quản lý…

Nếu vận hành PPP trong công nghệ hạt giống của TP.HCM sẽ có nhiều thuận lợi: Giá trị 1 ha đất sản xuất hiện đạt tới 375 triệu đồng (2015), nếu chuyển sang sản xuất hạt giống, giá trị này còn tăng gấp nhiều lần; diện tích rau của TP hiện chỉ khoảng 13.000 ha và chỉ đáp ứng được 30-50% nhu cầu tại chỗ, sao không chuyển sang sản xuất hạt giống với thu nhập cao hơn?…