"Với công việc xử lý đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, các bạn đang giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo nền tảng để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới" - ông Francis Gurry nói tại buổi thăm và làm việc với Cục SHTT sáng 23/3.

Toàn cảnh buổi làm việc tại Cục SHTT.

Tham gia buổi làm việc với Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới (WIPO) Francis Gurry có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí và các Phó Cục trưởng Lê Ngọc Lâm, Phan Ngân Sơn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc mà các cán bộ Cục SHTT đang thực hiện, ông Francis Gurry: "Với công việc xử lý các đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, các bạn đang giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo nền tảng để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Trong thế giới ngày nay, sự cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt, chủ yếu dựa trên những nhân tố liên quan đến thiết kế, kiểu dáng, tạo ra sự khác biệt giữa các sản phẩm/dịch vụ. Vì vậy công việc của các bạn là rất quan trọng".

Theo ông Francis Gurry, các công việc liên quan đến SHTT đã và đang đóng góp cho việc thực hiện, triển khai chiến lược mà các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã vạch ra; thực hiện các công việc có giá trị gia tăng cho sản phẩm, phát triển nền kinh tế sáng tạo và hội nhập ngày càng sâu vào cộng đồng quốc tế.

Ông Francis Gurry phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Francis Gurry chia sẻ thêm: "Việt Nam luôn có đóng góp mang tính xây dựng đối với công việc của Tổ chức SHTT thế giới. Chúng ta đều nhận ra rằng trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, tính kết nối, đặc biệt là về KH&CN, ngày càng trở nên chặt chẽ hơn. Trong bối cảnh đó, Tổ chức SHTT thế giới hoàn toàn dựa vào các thành viên tích cực như Việt Nam để tạo nền móng cho sự hợp tác mang tính hòa bình và tiếp tục phát triển".

Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí giá cao ý nghĩa chuyến thăm của ông Francis Gurrytrong bối cảnh Việt Nam ngày càng coi trọng vai trò của SHTT đối với hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Đinh Hữu Phí phát biểu tại buổi làm việc.

"Trong thời gian tới, các chuyên gia WIPO sẽ phối hợp với nhóm công tác trong nước để dự thảo các nội dung của Chiến lược quốc gia về SHTT Việt Nam nhằm định hướng cho sự phát triển của hệ thống SHTT Việt Nam nói chung và sự phát triển của Cục SHTT nói riêng, với mục tiêu đưa SHTT thực sự trở thành động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững", ông Phí cho biết.

Cục trưởng Đinh Hữu Phí cũng bày tỏ mong muốn WIPO sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thông qua Chương trình Phát triển WIPO, giúp Việt Nam gia nhập và thi hành các điều ước quốc tế do WIPO quản lý về trao đổi dữ liệu sáng chế; phát triển công cụ tra cứu phục vụ công tác thẩm định đơn sở hữu công nghiệp; tạo thuận lợi cho Việt Nam tham gia tích cực hơn vào tổ chức, hoạt động của WIPO (như tiếp nhận thực tập sinh và cán bộ của Việt Nam vào làm việc tại WIPO); đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ Cục SHTT và các cơ quan có liên quan.

Ông Francis Gurry (thứ ba, từ phải qua) cùng Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh (thứ hai, từ trái qua) cùng các đại biểu thăm phòng Xử lý và Tiếp nhận đơn của Cục SHTT - nơi tiếp nhận khoảng 2.000 đơn mỗi tuần.

Ông Francis Gurry trò truyện cùng các cán bộ phòng Sáng chế 2.

"Hy vọng ngài Tổng Giám đốc sẽ xem xét hỗ trợ tổ chức các hội thảo chuyên đề liên quan đến dịch vụ, hạ tầng và cơ sở dữ liệu về SHTT để giúp nâng cao nhận thức của công chúng; đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam tham gia dự án xây dựng công cụ dịch tự động (translation machine) để có thể truyền tải rộng rãi thông tin sáng chế của thế giới đến với cộng đồng sáng tạo Việt Nam", ông Phí nói.

Qua 35 năm xây dựng và phát triển, Cục Sở hữu trí tuệ hiện có 21 đơn vị trực thuộc và hơn 350 cán bộ. Cục đã tham mưu cho Chính phủ và Bộ KH&CN xây dựng được một hệ thống pháp luật về SHTT được đánh giá là cơ bản hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tạo thuận lợi cho hoạt động đổi mới, sáng tạo và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp đã được Cục thực hiện tốt, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp được nhận và xử lý ngày càng tăng. Cục cũng đã triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Hoạt động đào tạo, tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức về SHTT cho xã hội đạt được nhiều tiến bộ. Công tác hội nhập quốc tế về SHTT được chú trọng.