"Bức tranh đổi mới sáng tạo trên thế giới đang thay đổi với sự chuyển dịch về châu Á và Việt Nam đang nằm ở trung tâm của sự thay đổi đó. Các bạn cần nắm bắt cơ hội này để đưa nền kinh tế tiến nhanh, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trên thế giới".


Đó là lời ông Francis Gurry - Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) - trong cuộc trò chuyện với sinh viên Đại học Ngoại thương sáng 23/3.

Thành tố quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế

Ông Gurry khẳng định: "Hiện nay, không quốc gia nào muốn cạnh tranh dựa vào giá trị sức lao động. Không ai muốn mình có thế mạnh cạnh tranh nhờ vào giá lao động thấp. Để tối ưu hóa khả năng cạnh tranh, các quốc gia phải dựa vào đổi mới sáng tạo".

"Chúng ta đều thấy, không chỉ Việt Nam, rất nhiều quốc gia trên thế giới đang rất chú trọng đổi mới sáng tạo, kể cả các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đức… Những quốc gia này đều coi đổi mới sáng tạo là thành tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của họ. Đây cũng là mối quan tâm của những quốc gia muốn thoát khỏi cái gọi là bẫy thu nhập trung bình”.

"Việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo có nhiều lợi ích về mặt kinh tế và xã hội. Đổi mới sáng tạo là nhân tố đóng góp chính cho sự phát triển và mở rộng nền kinh tế. Ở mức độ nhỏ, mức độ doanh nghiệp cá thể, đổi mới là chìa khóa cho khả năng cạnh tranh, là cách để một doanh nghiệp tự phân biệt mình và tự tìm chỗ đứng trên thương trường".

"Đổi mới sáng tạo cũng tạo đà để phát sinh ra nhiều công việc mới, tốt hơn, để giải quyết mọi việc theo những cách khác biệt. Đây cũng là công cụ để chúng ta giải quyết các vấn đề xã hội mà loài người đang phải đối mặt như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, bệnh tật…" - Tổng Giám đốc WIPO chia sẻ.

Ngài Francis Gurry - Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - trong buổi nói chuyện với các em học sinh trường Ngoại thương.
Ông Francis Gurry - Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - trong buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Ngoại thương.

Những thách thức của đổi mới sáng tạo

Đề cập tới rất nhiều ích lợi của đổi mới sáng tạo, ngài Francis Gurry không quên lưu ý tới những thách thức mà chúng ta phải đối mặt: "Đó là tốc độ thay đổi chóng mặt của công nghệ, những vấn đề liên quan tới đạo đức trong lĩnh vực khoa học tương lai. Chẳng hạn, chúng ta đang có công nghệ sửa gene người CRISPR hay công nghệ gene drive giúp ngăn chặn muỗi lan truyền virus Zika".

"Nếu không có các rào cản đạo đức thì rất có thể, công nghệ này sẽ được sử dụng để phục vụ những lợi ích không tốt đẹp. Một vấn đề nữa nảy sinh trong bản chất nền kinh tế, đó là câu hỏi về phân phối, những hạn chế của việc phân chia lợi nhuận từ đổi mới sáng tạo cùng thách thức về năng suất, hiệu suất công việc".

Ông Gurry cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã đổ rất nhiều tiền vào nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm nâng cao năng lực của nền kinh tế. Đơn cử, hàng năm Mỹ đầu tư 520 tỷ USD vào R&D, vào việc tìm ra những nguồn tri thức mới; Trung Quốc cũng chi 400 tỷ USD vào lĩnh vực này.

"Ngày nay, đổi mới sáng tạo là lĩnh vực căn bản trong khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và các quốc gia. Có một điều cần phải nhận thức, đổi mới sáng tạo không phải những gì cao siêu (top of science). Chúng ta cần nhìn nhận rằng đổi mới sáng tạo nên xuất hiện ở mọi mức độ, mọi nơi của nền kinh tế" - ông Francis Gurry nói.