Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (DN) khoa học và công nghệ (KH&CN) cần phối hợp chặt chẽ với các Sở KH&CN địa phương để tổ chức phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền văn bản, chính sách của nhà nước cho các DNKH&CN.

Yêu cầu này được Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đưa ra tại Hội nghị Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2017. Sự kiện này do Cục Phát triển thị trường và DNKH&CN phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng phát triển Thương hiệu Việt tổ chức ngày 20/12 tại TPHCM.

Tính đến tháng 7/2017, cả nước có 303 DN được cấp giấy chứng nhận DNKH&CN, tăng 69 DN so với thời điểm tháng 6/2016. Tổng doanh thu năm 2016 của các DNKH&CN đạt 14.400 tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm 2015. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt gần1.300 tỷ đồng, tăng 2,35% so với năm 2015. Các doanh ngiệp này đã giải quyết được hơn 16.612 việc làm cho xã hội.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng. Ảnh Mai Hà

Các doanh nghiệp này đã không ngừng tạo ra các sản phẩm mới đưa ra thị trường như Công ty Giống cây trồng Quảng Ninh, Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình,… Nhiều DN đã có doanh thu lớn, sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn ra thị trường quốc tế như: Công ty Cổ phần Robot Tosy đã đăng ký bảo hộ tại 21 nước trên thế giới, sản phẩm của công ty này đã có mặt ở các thị trường châu Á, Âu, Mỹ; Công ty cổ phần dược phẩm Hanvet đã xuất khẩu sản phẩm tới 20 nước trên thế giới.

Ông Trần Xuân Đích – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DNKH&CN (Bộ KH&CN) cho biết, bên cạnh nhiều địa phương đã bước đầu hình thành và phát triển hiệu quả các DNKH&CN, còn một số địa phương vẫn chưa có DNKH&CN nào như: Bình Thuận, Cao Bằng, Lai Châu, Tuyên Quang, Vĩnh Long… Số lượng doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KH&CN hiện mới chỉ có 34 DN với tổng kinh phí trích lập năm 2016 là 87,743 tỷ đồng.

Ông Đích cho biết thêm, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước đối với DNKH&CN là hết sức khó khăn. Số tiền các DNKH&CN được miễn, giảm thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, vay vốn tín dụng ưu đãi còn khá khiêm tốn. Cụ thể, thuế thu nhập DN được miễn làm giảm gần 150 tỷ, tiền thuê đất được miễn giảm gần 35 tỷ đồng, vay vốn tín dụng ưu đãi hơn 100 tỷ đồng.

toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh Mai Hà.

Không những khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nói trên mà khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học của nhiều DNKH&CN cũng gặp phải tình trạng tương tự. Bởi quá trình thương mại hóa này gặp nhiều rào cản như quy định về công nhận sản phẩm mới, tâm lý e ngại của người tiêu dùng, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…” – ông Đích chia sẻ.

Nhiều DN tại Hội nghị cũng cho rằng, họ gặp khá nhiều khó khăn như các vấn đề trên và cần được hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, để thương mại hóa thành công các sản phẩm KH&CN mới, được tiếp cận với các chính sách ưu đãi dễ dàng hơn.

Trước những khó khăn, vướng mắc của các DN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị Cục Phát triển thị trường và DNKH&CN có bộ phận chuyên trách để phối hợp với các sở KH&CN tổ chức, hướng dẫn, xử lý những đề nghị của các Sở KH&CN cũng như những vướng mắc của DNKH&CN.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng đồng tình, ủng hộ mong muốn của các DNKH&CN là thành lập Câu lạc bộ DNKH&CN để kết nối thông tin, truyền tải kinh nghiệm, giúp nhau cùng phát triển và xây dựng logo riêng của cộng đồng DNKH&CN.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết thêm, hiện Bộ KH&CN đang hoàn thiện Nghị định về DNKH&CN nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện Nghị định 80/2007/NĐ-CP về DNKH&CN. Bộ KH&CN cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trong việc triển khai các chính sách mới nhằm hỗ trợ DNKH&CN, DN có tiềm năng trở thành DNKH&CN nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới, nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.