Khoảng cách lớn, giao thông khó khăn làm tăng giá thành các sản phẩm ở Tây Bắc, nếu không có giải pháp khoa học và công nghệ (KH&CN) thì sẽ không có khả năng cạnh tranh - Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nêu vấn đề khi bàn cách thoát nghèo cho Tây Bắc.

Cần đột phá đểTây Bắc thoát nghèosau 5 năm

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016 diễn ra chiều 19/7 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, 6 tháng đầu năm kinh tế - xã hội trong vùng phát triển ổn định, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện.


Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 12.259 tỷ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước 42.192 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đó là tỷ lệ hộ nghèo còn cao.


Một người dân Xí Mần (Hà Giang) phát triển kinh tế gia đình bằng chăn nuôi trâu bò.
Một người dân Xí Mần (Hà Giang) phát triển kinh tế gia đình bằng chăn nuôi trâu bò. Ảnh: Phạm Bình


Cụ thể, theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố, miền núi Tây Bắc là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất - trên 55% tổng số hộ dân, tiếp đến là miền núi Đông Bắc với hơn 29%. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là dưới 10%. Các khu vực khác có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 12-24%.


Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc - cho rằng các thành viên trong Ban chỉ đạo, các bộ, ngành phải cùng tìm giải pháp, tạo đột phá để sau 5 năm nữa Tây Bắc thoát được nghèo, giảm nghèo. “Phải có chiến lược, chính sách đặc thù cho Tây Bắc” - ông Bình nhấn mạnh.


Giải pháp trồng rừng và ứng dụng công nghệ phù hợp được Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc hướng tới với mong muốn cải thiện cuộc sống và kinh tế cho người dân miền núi Tây Bắc. Theo ông Nguyễn Văn Bình, khi đẩy mạnh trồng rừng và để cho đồng bào được khai thác phát triển sinh kế từ rừng thì không chỉ đời sống của họ được cải thiện mà đất nước còn có thêm rừng.


“Ngoài ra, các chính sách vay vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng phải được chú trọng, tập trung làm cho ra tấm ra món thay vì cái gì cũng đầu tư nhưng không tới cùng thì khó mà hiệu quả. Khi đời sống kinh tế đồng bào ổn định thì sự chống phá của các thế lực phản động, tình trạng di cư tự do, nguy cơ về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội sẽ hạn chế được” - ông Nguyễn Văn Bình nói.


Phát triển câydược liệu, vật nuôi

Trước yêu cầu đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng - thành viên Ban Chỉ đạo Tây Bắc - cho biết, trên thực tế KH&CN nhiều năm qua đã vào cuộc nhằm cải thiện tình hình kinh tế - xã hội vùng này.


Theo đó, chương trình Tây Bắc do Bộ KH&CN là cơ quan quản lý, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì thực hiện đã có nhiều nhiệm vụ được triển khai. Cụ thể, trong giai đoạn 2013-2015, chương trình đã tuyển chọn được 35 nhiệm vụ. Các nghiên cứu này đã cung cấp luận cứ khoa học phục vụ xác định chiến lược, kế hoạch phát triển, các khâu đột phá của vùng và các địa phương thuộc vùng Tây Bắc; ứng dụng KH&CN để nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa và các mô hình tăng trưởng (xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái, xây dựng mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông - lâm đặc sản xuất khẩu, nghiên cứu đông trùng hạ thảo)…

“Các nghiên cứu đã phân tích và đánh giá tiềm năng vùng Tây Bắc, nhìn lại hiện trạng, thế mạnh, xây dựng lại quy hoạch vùng. Một số nhiệm vụ thực hiện từ năm 2013-2014-2015 đã bắt đầu có kết quả như nghiên cứu chế biến cây dược liệu (sâm, tam thất và các bài thuốc chữa bệnh của dân tộc)” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ.


Ông Trần Văn Tùng cũng cho biết, chương trình nghiên cứu này cũng lựa chọn một số vấn đề nổi bật, sản phẩm chủ lực, thế mạnh của từng vùng để tập trung phát triển. Ví dụ với sản phẩm bò Tây Bắc, hiện đã có dự án ở Hà Giang.


“Điểm khác biệt với miền xuôi là ở khu vực Tây Bắc, vấn đề giao thông có khoảng cách rất lớn, làm gia tăng giá thành sản phẩm rất nhiều. Do vậy, nếu không có giải pháp KH&CN vào đây thì các sản phẩm sẽ không có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Khoa học phải vào cuộc để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng được thương hiệu, phát triển bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP mới có thể đưa ra sản phẩm cạnh tranh” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.


Khái niệm “đầu tư đến nơi đến chốn” cũng được Thứ trưởng Tùng nhấn mạnh. Ngay như với dược liệu, Tây Bắc có rất nhiều dược liệu quý nhưng chọn được loại dược liệu nào để đầu tư quy mô lớn hơn (từ giống, quy trình canh tác đến xây dựng thương hiệu và thị trường) thì mới bền vững và có hiệu quả kinh tế.