"Chủ đề Ngày Tiêu chuẩn Thế giới năm nay là "Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin", khẳng định tiêu chuẩn là cơ sở nền tảng và định hướng cho các hoạt động khác phát triển, giúp tạo lập lòng tin giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, kết nối khoa học và công nghệ với đời sống".

Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh đã chia sẻ điều này tại Lễ kỷ niệm ngày Tiêu chuẩn thế giới sáng nay. Việc chọn ngày 14/10 hằng năm là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới được quyết định bởi ba tổ chức tiêu chuẩn hóa hàng đầu là Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới.

"Là thành viên chính thức của ISO và ITU, thành viên liên kết của IEC,Việt Nam có quyền và có trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệpcũng như người tiêu dùng Việt Nam", Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói. Theo ông, “Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin” - chủ đề Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm nay - là cơ sở nền tảng và định hướng cho các hoạt động khác phát triển. Tiêu chuẩn hoá sẽ mang lại nhiều lợi ích vê công nghệ, kinh tế và xã hội:

Đối với doanh nghiệp, tiêu chuẩn quốc tế là những công cụ chiến lược, giúp giải quyết những thách thức, đòi hỏi khắt khe nhất của kinh doanh hiện đại, đảm bảo hoạt động hiệu quả, tăng năng suất, tiếp cận thị trường mới. Người tiêu dùng có thể tin sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn an toàn và có chất lượng tốt khi chúng tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.

Tiêu chuẩn quốc tế cũng hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc xây dựng chính sách công và quy định quốc gia, đảm bảo các yêu cầu đối với việc xuất, nhập khẩu hài hòa trên toàn thế giới, giúp việc lưu thông hàng hóa, dịch vụ và công nghệ giữa các quốc gia thuận lợi hơn.

Trong bài tham luận về “Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin”, ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, cũng nhấn mạnh rằng, tiêu chuẩn đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Ví dụ ở Đức, tỷ lệ đóng góp của tiêu chuẩn là 0,9% trong tỷ lệ tăng trưởng 3,3% của GDP giai đoạn 1960-1996. Ở Pháp, tỷ lệ đóng góp của tiêu chuẩn là 0,8% trong tổng số tỷ lệ tăng trưởng 3,4% của GDP giai đoạn 1950-2007.

"Trong thời gian tới, định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) là sẽ tiếp tục quy hoạch phát triển hệ thống TCVN chuyên ngành, tập trung phát triển một số nhóm TCVN chiến lược như đô thị thông minh, an toàn sản phẩm nông nghiệp, tiết kiệm nước; chú trọng đồng bộ hóa các tiêu chuẩn, đáp ứng tốt cho xuất khẩu và nhu cầu thị trường", ông Vinh cho biết.

"Hy vọng với nỗ lực của tất cả chúng ta, công tác tiêu chuẩn hóa sẽ không ngừng lớn mạnh và đạt nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.