Các cơ sở ươm tạo, phát triển doanh nghiệp (DN) khoa học và công nghệ (KH&CN), tổ chức KH&CN công lập là những đối tượng tiếp tục được nhận hỗ trợ từ Chương trình 592 trong thời gian tới.

Đó là thông tin được ông Trần Đắc Hiến - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Bộ KH&CN, Chủ nhiệm chương trình 592 đưa ra tại Hội nghị"Giới thiệu và hướng dẫn đề xuất dự án tham gia Chương trình 592".Sự kiện này do Ban Chủ nhiệm Chương trình 592 phối hợp với Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN tổ chức vào ngày 29/12, tại TPHCM.

Được biết, Chương trình 592 là Chương trình hỗ trợ phát triển DN KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/5/2012 tại quyết định số 592/QĐ-TTg.

Sau đó, ngày 12/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1381/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của quyết định 529. Mục tiêu của Chương trình là tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển DN KH&CN. Đồng thời, tăng cường năng lực tự chủ cho các tổ chức KH&CN công lập nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức này.
.
Ông Trần Đắc Hiến giới thiệu về Chương trình 592
Ông Trần Đắc Hiến giới thiệu về Chương trình 592

Theo ông Trần Đắc Hiến, Chương trình được thực hiện đến năm 2020 và tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở ươm tạo, phát triển DN KH&CN, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực tự chủ của tổ chức KH&CN công lập. Trong đó, ưu tiên cơ sở ươm tạo tại các viện nghiên cứu, trường đại học, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Đối với các doanh nghiệp, Chương trình chỉ nhận hỗ trợ đối với những doanh nghiệp hoạt động thực sự, có sản phẩm đầu ra và thương mại hóa được từ kết quả nghiên cứu của chính doanh nghiệp đó. Để hỗ trợ đúng đối tượng, Chương trình sẽ có những khảo sát kỹ lưỡng đối với các DN trước khi đưa ra quyết định hỗ trợ.


DN
Chương trình 592 hỗ trợ 100% kinh phí nghiên cứu, giải mã công nghệ

Ông Hiến cho biết, theo khảo sát của Bộ KH&CN, cả nước hiện có trên 3.000 DN có đủ điều kiện công nhận là DN KH&CN, nhưng mới chỉ có hơn 300 DN được cấp giấy chứng nhận là DN KH&CN, số còn lại họ không tìm đến các cơ quan quản lý để xin cấp chứng nhận là DN KH&CN.Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thủ tục cấp phép thành lập, nhận hỗ trợ DN KH&CN hiện còn quá phức tạp, rườm rà. Trong khi đó, DN không quen với những thủ túc hành chính nhà nước, viết đề án… Đây cũng là khó khăn, vướng mắc nhất của DN khi tham gia các Chương trình hỗ trợ của nhà nước.

"Vì vậy, các DN nên kết hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc các nhà khoa học để việc đề xuất dự án được thuận lợi hơn" – ông Hiến khuyến nghị.

Được biết đến nay, Chương trình 592 đã hỗ trợ được 30 dự án. Trong đó, một số dự án tiêu biểu như: “Hoàn thiện quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp ở quy mô công nghiệp”; “Hoàn thiện quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng không nung từ nguyên liệu sẵn có tại tỉnh Khánh Hòa”; “Hoàn thiện quy trình nhân giống một số cây thuốc quý, có giá trị kinh tế cao ở quy mô công nghiệp tại tỉnh Hòa Bình”; “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất máy tách màu phân loại gạo sử dụng công nghệ xử lý ảnh”…

Theo Thông tư liên tịch 49/2014/TTLT-BTC-BKHCN ngày 23/4/2014, Chương trình 592 sẽ hỗ trợ tối đa 80 triệu đồng cho hoạt động tư vấn của các dự án (hỗ trợ thành lập cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KH&CN; dự án hỗ trợ hoạt động ươm DN KH&CN; dự án hỗ trợ phát triển DN KH&CN). Hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn trong nước cho cán bộ quản lý và người làm việc tại các cơ sở, đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KH&CN; các DN KH&CN và các tổ chức KH&CN công lập. Đối với hoạt động nghiên cứu để phát triển ý tưởng, giải mã công nghệ, hoàn thiện công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, sẽ hỗ trợ 100% kinh phí nghiên cứu, giải mã công nghệ để ra vật mẫu, thiết kế kỹ thuật. Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí cho hoạt động hoàn thiện công nghệ để tạo ra sản phẩm mới. Với dự án sản xuất thử nghiệm từ việc ứng dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích để thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ sẽ được hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt tối đa 50% tổng mức kinh phí đầu tư (không bao gồm giá trị còn lại hoặc chi phí khấu hao trang thiết bị, nhà xưởng đã có vào tổng mức kinh phí đầu tư). Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thực hiện hoạt động liên kết với tổ chức hoặc chuyên gia ở nước ngoài của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt để ươm tạo, phát triển DN KH&CN.