Chiều 21/10, Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào” tại Hà Nội. Buổi tọa đàm nhắm giải đáp các vấn đề liên quan đến dịch vụ 4G và cách thức triển khai dịch vụ này tại Việt Nam.

Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Bộ Bưu chính viễn thông; Bộ TT&TT; các mạng di động tại Việt Nam như Viettel; MobiFone, VNPT, Hiệp hội Internet, Hội Tin học cùng sự góp mặt của các nhà sản suất thiết bị 4G như Ericsson, Qualcomn. Ngoài ra, tọa đàm còn có sự tham gia của các chuyên gia viễn thông, chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung.

Hiện nay, mạng 4G đang là một đề tài nhận được sự quan tâm rộng rãi. Mặc dù so với nhiều nước trên thế giới, việc triển khai mạng 4G tại Việt Nam hơi chậm, nhưng nhược điểm này cũng chính là ưu điểm để công nghệ 4G phát triển mạnh hơn. Ông Mantosh Malhotra – đại diện Qualcomn Đông Nam Á cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để đưa 4G vào Việt Nam do chúng ta đã có một hệ sinh thái 4G tương đối hoàn thiện, thiết bị sử dụng 4G không quá đắt và công nghệ cho mạng này cũng phát triển từ tương đối lâu. Sử dụng 4G, Việt Nam sẽ được hưởng những công nghệ mới nhất, cho phép sản sinh nhiều ngành mới trong lĩnh vực viễn thông mà trước đây với mạng 3G, việc này là khá khó khăn, đặc biệt là với những ngành có lưu lượng truyền tải lớn.

Cơ hội triển triển khai 4G tại Việt Nam đã chín muồi?

Bàn về yếu tố thành công triển khai mạng 4G tại Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng cần xem xét ba yếu tố: công nghệ chín muồi có tính phổ biến; băng tần đủ nhiều, sắp xếp phù hợp; và nhu cầu thị trường.

Đầu tiên, nếu công nghệ không phổ biến, chín muồi, có khi triển khai giữa chừng, thế giới chuyển sang công nghệ khác thì lúc đấy mình lỡ dịp; hoặc độ chín muồi chưa đủ thì giá thành thiết bị đắt, dẫn đến giá cước đối với người dùng cao, không phù hợp. Do vậy, sự chín muồi và phổ biến công nghệ chính là yếu tố quyết định thời điểm triển khai.

Ông Thế Hào, Chủ tịch CLB Nhà báo Công nghệ thông tin - Truyền thông phát biểu tại toạ đàm.
Ông Thế Hào, Chủ tịch CLB Nhà báo Công nghệ thông tin - Truyền thông phát biểu tại toạ đàm.

Bên cạnh đó, nếu Việt Nam muốn triển khai mạng 4G, cần phải sắp xếp quy hoạch băng tần cho phù hợp, có thể sắp xếp lại băng 1800.

Cuối cùng là yếu tố nhu cầu thị trường. Nguyên thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng cần xem xét sự cần thiết của mạng 4G so với nhu cầu thị trường. Mạng 3G ở Việt Nam rất tốt. Nhưng nếu triển khai 4G, kể cả 5G mà vẫn như kiểu 3G thì giống như trên đường từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, một đường cao tốc, một đoạn tỉnh lộ, một đoạn huyện lộ... chỉ mấy trăm cây cao tốc, thì tốc độ cũng vẫn như vậy. Bên cạnh đó, số lượng thiết bị smartphone 4G vào Việt nam ngày càng nhiều và rẻ. Trong khi số lượng thiết bị đáp ứng LTE thì chỉ có Iphone 6 trở lên, Galaxy 4, 5 mới đáp ứng được. Đó đều là những dòng smarphone có giá hơn chục triệu. Trong khi tại Việt Nam, dòng điện thoại phổ biến vẫn ở mức tầm 4-5 triệu. Vì vậy, cần cân nhắc yếu tố thị trường để quyết định đưa 4G vào Việt Nam hay không.

Chia sẻ với ý kiến của Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Nguyên Thứ trưởng Mai Liêm Trực cũng bổ sung với nhu cầu thị trường hiện tại cùng thời điểm chín muồi, tư duy của Bộ cần mạnh mẽ hơn, phải làm đúng chức trách của mình là trung lập công nghệ. Cần sớm cấp phép khi đã có tài nguyên. Nếu không chúng ta lại phải ngồi chờ tiếp đến 5G.

Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đã xác định rõ sau năm 2015 mới cấp phép cho doanh nghiệp triển khai thế hệ di động tiếp theo. Và nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là thời điểm thích hợp.

Theo thông tin từ Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, đến thời điểm hiện nay mới chỉ có Viettel, MobiFone và VNPT xin thử nghiệm. Bộ sẽ xem xét đánh giá mô hình hiệu quả kinh doanh, cung cấp dịch vụ. Nếu đáp ứng nhu cầu xã hội, Bộ sẽ chính thức cấp phép cho các DN viễn thông theo đúng quy định.