Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TPHCM vừa ký quyết định thưởng gần 300 triệu đồng cho tiến sỹ, bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan - Phó trưởng Bộ môn Phụ Sản của trường, tác giả chính của nghiên cứu về thụ tinh trong ống nghiệm gây xôn xao thế giới hồi tháng 1/2018.

Chia sẻ niềm vui trên trang cá nhân, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, đồng tác giả và là bạn đời của bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, cho biết sẽ dành tặng toàn bộ tiền thưởng cho các hoạt động khoa học của Trường Đại học Y Dược TPHCM.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường cũng cho biết, đây là mức thưởng mang tính lịch sử trong quá trình hơn 70 năm hình thành và phát triển của Đại học Y Dược TPHCM cho một bài báo công bố quốc tế ở trường và là mức thưởng kỷ lục trong mặt bằng chung các trường đại học ở Việt Nam.

Ảnh trên FB của bác sĩ Hồ Mạnh Tường.
Ảnh trên FB của bác sĩ Hồ Mạnh Tường.

Theo chia sẻ của đại diện Trường Đại học Y Dược TPHCM trên Dân trí, với bất kỳ bài báo nào được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế theo quy định của trường đều được thưởng. Tuy nhiên mức thưởng sẽ khác nhau dựa vào chỉ số Impact factor của bài báo (2 triệu đồng/1 chỉ số). Bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan là tác giả thứ nhất và là người trả lời tất cả phản biện bình duyệt nên được nhân đôi mức thưởng. Số tiền thưởng cụ thể là 289.624.000 đồng.

Trước đó, bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan - tác giả chính - và các cộng sự tại Bệnh viện Mỹ Đức đã công bố bài báo "IVF transfer of Fresh or Frozen embryos in women without polycystic Ovaries" trên tạp chí y khoa New England (NEJM) - một trong những tạp chí y khoa uy tín và có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay trên thế giới, với chỉ số trích dẫn 72.406.


Bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan - "Bà mẹ của nghìn đứa con". Ảnh: INT

Công trình được nhóm thực hiện ngẫu nhiên trên 782 phụ nữ vô sinh không do buồng trứng đa nang đang thụ tinh ống nghiệm (TTON). Kết quả cho thấy, việc chuyển phôi đông lạnh mang lại kết quả thành công tương đương như chuyển phôi tươi khi TTON. Sau hai năm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã gửi báo cáo dài hơn 200 trang đến NEJM. Trải qua 3 vòng thẩm định sơ bộ và hơn 10 lần email trao đổi trong 10 tháng, nghiên cứu được tạp chí 200 năm tuổi này đồng ý công bố.