Tại hội nghị tổng kết hoạt động KH&CN năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 do bộ KH&CN tổ chức ngày 9.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 4 trụ cột để phát triển khoa học và công nghệ.

4 trụ cột đó là: Góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) và nâng cao năng suất cùng chất lượng lao động hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng đánh giá cao cách tổ chức tổng kết năm nay của bộ KH&CN với sự hiện diện của các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện, trường, tổ chức, các địa phương, nhất là có cả các doanh nghiệp khởi nghiệp với những kết quả “người thật, việc thật”.

Trong hoạt động KH&CN, Thủ tướng cho rằng, trong năm 2017, các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội có nhiều tiến bộ; công nghệ cao được ứng dụng mạnh trong cả công nghiệp, nông nghiệp, y tế, tài chính ngân hàng…; tinh thần quốc gia khởi nghiệp đang phát triển và lan toả mạnh mẽ; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã phát triển rộng khắp với nhiều không gian làm việc chung, quỹ đầu tư mạo hiểm được hình thành và hoạt động, các tổ chức kết nối hỗ trợ khởi nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam…, qua đó phần nào phản ánh những nỗ lực của bộ KH&CN.

Qua con số, đến nay chúng ta đã có hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư; số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh với hơn 3.000 doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định việc xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích KH&CN và đổi mới sáng tạo, tạo hành lang pháp lý đã thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được xây dựng ngày càng rõ nét.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị Tổng kếthoạt động khoa học và công nghệ năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Ảnh: Phương Nguyên

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy hơn nữa tiến trình đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ của đất nước. Vì vậy, trong thời gian qua, Thủ tướng, các phó Thủ tướng đã nhiều lần làm việc và có nhiều ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ đối với các cơ quan, tổ chức trong ngành như làm việc với viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, khu Công nghệ cao Hoà Lạc, khu công nghệ cao TP.HCM…, thảo luận nhiều cơ chế tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy sự phát triển tại các đơn vị này.

Nhìn một cách tổng thể về những bất cập, tồn tại, Thủ tướng nêu năm điểm lớn. Trước hết, thị trường KH&CN của Việt Nam phát triển còn chậm. Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa được ứng dụng nhiều trong sản xuất, kinh doanh; chưa có nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ được thương mại hoá.

Việc phát triển KH&CN chưa thực sự gắn với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Doanh nghiệp chưa trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động KHCN” - Thủ tướng nói, và chỉ thêm nhiều nơi các cấp quản lý chính quyền chưa coi trọng KH&CN, cơ chế tài chính còn bất hợp lý, ràng buộc sự phát triển. Việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập vẫn còn lúng túng.

Nêu định hướng cho KH&CN giai đoạn 2018 – 2020, Thủ tướng nhấn mạnh bốn trụ cột lớn cần đổi mới, ba đột phá cần tập trung, và năm lưu ý cần rà soát, để triển khai hiệu quả hơn.

Trụ cột đầu tiên là KH&CN phải góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nhất là những mô hình hiện có năng suất thấp trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.

Thứ hai, thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, khi mà hiện nay, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn ít, phong trào khởi nghiệp sáng tạo mới bước đầu, chỉ tập trung ở đô thị lớn.

Cần tập trung phục vụ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ theo tinh thần doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đột phá trong phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN, công nghệ cao, thiết lập hệ thống sàn giao dịch công nghệ và các tổ chức trung gian, để thúc đẩy thị trường công nghệ.

Thứ tư, KH&CN phải góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Nêu ba đột phá cần tập trung, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đột phá về thể chế, chính sách. Trong đó cần xoá bỏ tư duy hành chính hoá, quy hoạch hoá KH&CN và tư duy thành lập mới tổ chức KH&CN phải theo quy hoạch…

Đột phá tiếp theo là đổi mới về phương thức đầu tư, cơ chế đặt hàng cho KH&CN. Chi 2% ngân sách nhà nước cho KH&CN phải sử dụng hiệu quả hơn. Thứ ba, cần tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ hoặc nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng mà Việt Nam đang cần. Phải huy động đầu tư của xã hội, chủ yếu từ doanh nghiệp, thông qua các quỹ KH&CN quốc tế, để có tỷ lệ đầu tư cho KH&CN cao hơn; có thể chế, cơ chế thuận lợi cho các nhà nghiên cứu trong sử dụng kinh phí.

Bên cạnh đó, cần đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN, trong đó quan tâm đến ba đối tượng chính là các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được giao chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và các nhà khoa học trẻ tài năng. Trong xu thế chung các đơn vị sự nghiệp công lập phải tinh giản bộ máy biên chế, nhưng “với những người tài năng thì không giới hạn về biên chế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về năm lưu ý cần rà soát, triển khai hiệu quả, theo Thủ tướng trước hết phải chủ động phát triển cơ sở hạ tầng KH&CN theo hướng hiện đại, đồng bộ, trong đó các khu công nghệ cao phải làm thành công trong năm 2018 và các năm tiếp theo, để bắt nhịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ hai, các vùng kinh tế trọng điểm dựa vào KH&CN, đặc biệt các vùng có lợi thế phát triển các sản phẩm nông nghiệp cần được quan tâm triển khai. Thứ ba, KH&CN phải gắn với yêu cầu của hội nhập quốc tế và thích ứng với nền kinh tế trí thức của thế giới. Thứ tư, hoạch định phát triển KH&CN cùng lộ trình, bước đi phải đảm bảo tính bền vững, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương rõ hơn với các nhiệm vụ cụ thể về KH&CN. Thứ năm, tạo cơ chế thoáng trong KH&CN, đồng thời khắc phục những căn bệnh trong KH&CN, như bệnh thành tích, bệnh không thiết thực, không đi vào cuộc sống.