Thông tư 05/2019/TT-BKHCN do Bộ KH&CN ban hành sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình ghi nhãn hàng hóa. Thông tư có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, tuy nhiên các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng trước ngày có hiệu lực thi hành.

Nội dung này đã được thảo luận trong Diễn đàn Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam tổ chức vào ngày 25/11 về chủ đề “Hành động vì sự phát triển bền vững và quản lý an toàn thực phẩm tốt hơn”.

Đây là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các nhà quản lý, các chuyên gia thảo luận về môi trường kinh doanh, kinh nghiệm quản lý an toàn thực phẩm và đề xuất những sáng kiến phát triển bền vững trong sản xuất thực phẩm.

Bà Cao Bích Hà (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu thảo thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn. Nguồn: VCCI

Việc ghi nhãn hàng hóa, bao gồm thực phẩm là một trong những bước quan trọng để đưa sản phẩm ra ngoài thị trường - không chỉ cung cấp thông tin về sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn mà còn giúp cơ quan quản lý kiểm soát việc lưu hành các sản phẩm. Bởi vậy, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, hướng dẫn cách ghi nhãn của từng loại sản phẩm, thay thế cho Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 43 về nhãn hàng hóa, các doanh nghiệp đã gặp nhiều vướng mắc, từ cách ghi nhãn sản phẩm riêng lẻ, ngôn ngữ ghi nhãn cho đến địa chỉ cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm về hàng hóa,...

Chẳng hạn, Nghị định 43 quy định các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa (định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo, xuất xứ hàng hóa,...) phải được thể hiện bằng tiếng Việt. Nhưng thực tế, “nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình ghi nhãn vì đối với xuất xứ hàng hóa, có những tên nước không thể phiên âm ra tiếng Việt được”, bà Cao Bích Hà, Trưởng phòng nhãn hàng hóa, Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết.

Trước thực tế này, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 05/2019/TT-BKHCN để hướng dẫn Nghị định 43. “Chúng tôi đã lắng nghe và tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi hết sức có thể khi ghi nhãn hàng hóa”, bà Cao Bích Hà nói. Một số điểm nổi bật của Thông tư 05 bao gồm:

Thứ nhất, về ngôn ngữ trình bày trên nhãn hàng hóa: những nội dung bắt buộc phải có theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhãn hàng hóa thì bắt buộc phải ghi bằng tiếng Việt, nếu hàng hóa có xuất xứ từ những nước không thể phiên âm sang tiếng Việt hoặc phiên âm không có nghĩa thì vẫn được phép viết như bản gốc.

Thứ hai, về vị trí ghi nhãn hàng hóa: một số hàng hóa chứa nhiều sản phẩm nhỏ bên trong (chẳng hạn hộp cà phê có nhiều gói nhỏ), nếu bán sản phẩm lẻ thì phải ghi nhãn trên cả sản phẩm lớn và sản phẩm riêng lẻ, nếu không chỉ cần ghi nhãn trên sản phẩm lớn.

Thứ ba, về cách ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa: với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài hoặc sản xuất từ nhiều nơi khác nhau, cần ghi tên, địa chỉ cá nhân sản xuất chính ở nước ngoài và nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngoài ra, với những hàng hóa nhấn mạnh sự có mặt hoặc không có mặt của một thành phần nào đó (chẳng hạn sữa không đường), thì cần tính đến sự có mặt của thành phần đó trong nguyên liệu ban đầu hoặc phát sinh trong quy trình chế biến. Chẳng hạn các sản phẩm nước quả tươi dù không cho thêm đường, nhưng lượng đường đã có sẵn trong loại quả đó thì trên nhãn không được phép ghi “không đường”.

Bà Cao Bích Hà cho biết Thông tư 05 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, tuy nhiên khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp áp dụng quy định của Thông tư này trước ngày có hiệu lực thi hành.