Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu có hiệu lực từ năm 2020 đã kết thúc cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ giữa các nước giàu và nước nghèo. Thành tựu này của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) được cho là sẽ tạo ra bước ngoặt cho nhân loại.

Sau 2 tuần làm việc cực kỳ căng thẳng, phái đoàn của 195 quốc gia tại Hội nghị COP21 tại Paris đã thông qua một trong những thỏa thuận quan trọng nhất của cộng đồng quốc tế - Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu - được chính thức công bố sáng 12/12/2015. Đây sẽ là hành lang chung để thực hiện một đại chiến dịch sẽ tiêu tốn nhiều tỷ USD nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu và đối phó với những hậu quả đã xảy ra.

Niềm vui của các chính trị gia sau khi đạt được thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AP
Niềm vui của các chính trị gia sau khi đạt được thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AP

Bước ngoặt của nhân loại

Sự quan tâm đến COP21 được thể hiện bằng những cuộc tuần hành của hơn 800.000 người dưới lá cờ “Cuộc tuần hành nhân dân vì khí hậu” tại 2.300 sự kiện lớn - nhỏ trong 2 tuần diễn ra hội nghị.

Chủ tịch của hội nghị - Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurient Fabius - đã có bài phát biểu đặc biệt xúc động trong lễ công bố toàn văn bản thỏa thuận cho biết, ông “tin tưởng sâu sắc rằng chúng ta đã đạt được một thỏa thuận tham vọng và có tính cân bằng”. Fabius dẫn lời cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: “Trước khi làm xong, bất kỳ việc nào cũng đều có thể coi là bất khả thi”.

Nhà Trắng cũng lập tức lên tiếng qua tài khoản Twitter của Tổng thống Barrack Obama, gọi đó là “thỏa thuận có tính lịch sử”. “Chúng ta đã gặp được nhau xung quanh một bản cam kết mà cả thế giới đang cần”. “Thỏa thuận này chính là cơ hội tốt nhất của chúng ta để giữ lại trái đất duy nhất của loài người”.

Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu, Ủy viên chuyên trách về năng lượng Miguel Arias Canete khẳng định, thỏa thuận COP21 là một tiến trình có tính lịch sử và tuyên bố rằng từ năm 2020, EU sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển; các khoản tài chính này sẽ trong trạng thái có thể dự báo.

Nhà khoa học hàng đầu Jean-Pascal van Ypersele - cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu - khẳng định bản thỏa thuận “đã thừa nhận những cơ sở khoa học vững chắc và cho thấy tất cả mọi người đều ý thức được tính khẩn cấp của việc đối phó với vấn đề”.

“Ăn mừng hôm nay, hành động ngày mai”

Đó là một tuyên bố khác của chính Miguel Arias Canete. Ngắn gọn hơn, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon khẳng định: “Giờ đây, các công việc sẽ bắt đầu”.

Một hạn chế quan trọng nhất của Thỏa thuận Paris là tính ràng buộc pháp lý của nó. Chỉ một phần trong các điều khoản được đưa ra có tính pháp lý. Mặt khác, Thỏa thuận Paris sẽ chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm được ít nhất 55 quốc gia phê chuẩn và các quốc gia này chiếm ít nhất 55% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Mức độ cam kết giảm phát thải của các nước cũng chỉ được đưa ra trên tinh thần tự nguyện. Đây là trở ngại lớn nếu biết rằng, một trong những nội dung được tranh cãi nhiều nhất tại hội nghị chính là các điều khoản về thời hạn xem xét việc thực hiện các cam kết. Theo những gì được nhất trí, các quốc gia sẽ ngồi lại để đánh giá tiến bộ đạt được vào năm 2018, sau đó xem xét lại theo chu kỳ 5 năm.

Các nhà khoa học sau những “hân hoan” ban đầu cũng nhanh chóng chỉ ra vô vàn khó khăn phía trước. Jean Jouzel - cựu Giám đốc IPCC - cơ quan khoa học của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu - khẳng định, hành động nhanh chóng là điều hết sức quan trọng. Jouzel và nhiều nhà khoa học nghi ngờ tính khả thi của chỉ tiêu 1,50C. Theo họ, nhiệt độ toàn cầu hiện đã tăng gần 10C so với trước thời kỳ công nghiệp hóa. Lượng CO2 trong khí quyển sẽ tiếp tục tăng ngay cả khi việc phát thải khí nhà kính đã ngừng lại.

Theo IPCC, để nhiệt độ Trái đất không tăng quá 20C thì lượng khí thải phải giảm 40-70% tính đến giữa thế kỷ 21. Còn nếu muốn nhiệt độ tăng không quá 1,50C, cần áp dụng thêm các điều khoản mới và tỷ lệ cắt giảm khí thải phải đạt mức cao hơn 70-95%.

Theo Giám đốc Trung tâm Chính sách khí hậu và Năng lượng quốc tế Steffen Kallbekken, các chỉ tiêu định lượng bị loại khỏi dự thảo báo cáo và Thỏa thuận Paris không đưa ra được chỉ dấu rõ ràng về mức cắt giảm và mốc thời gian cắt giảm khí phát thải.

Nhiều nhà khoa học nhấn mạnh sự mất cân đối giữa một bên là các mục tiêu đầy tham vọng và một bên là bỏ đi các chỉ tiêu nghiêm ngặt nhằm đánh giá tiến bộ đạt được. Giáo sư Bill Collins thuộc Đại học Reading (Anh) nhấn mạnh mục tiêu cắt giảm 70% phát thải khí vào giữa thế kỷ 21 và nêu câu hỏi: “Nếu không chỉ ra được phương án đúng đắn, chúng ta sẽ đạt các mục tiêu đề ra bằng cách nào?”.

Theo Giáo sư Keveh Madani từ Đại học Hoàng gia London, Hội nghị COP21 đã làm tốt việc đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn là chỉ ra con đường: “Vấn đề quan trọng hơn cả là phương thức để đạt được mục tiêu đề ra”.

Con đường không dừng ở Paris

Một câu hỏi thực tế được đặt ra trước, trong và sau COP21 là: “Chúng ta cuối cùng có ngăn được sự biến đổi khí hậu?”. Theo Rachael Le Mesurier - Giám đốc điều hành Tổ chức Nhân đạo và Phát triển Oxfam New Zealand, câu trả lời là: “Không”.

Thỏa thuận Paris sẽ không giải quyết được vấn đề. Nó chỉ dài 20 trang, đủ chung chung để được tất cả các bên chấp thuận, có nhiều điểm không chịu các ràng buộc có tính pháp lý (để so sánh, Hiệp định TPP dài khoảng 6.000 trang và có tính ràng buộc pháp lý sau khi được ký kết).

Dù có hay không những thỏa thuận cấp cao như thế thì thế giới vẫn luôn thay đổi. Hậu quả của biến đổi khí hậu đang đến nhanh hơn dự đoán: Nhiệt độ toàn cầu tăng cao, các khối băng mất ổn định, băng tan, đại dương bị axít hóa, hạn hán và mực nước biển tăng nghiêm trọng khắp nơi. Mặt khác, nhân loại vẫn đang nỗ lực đối phó: Năng lượng mặt trời, các công nghệ sạch đang được quan tâm hơn, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch giảm, thế giới chung tay kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu. Tất cả kết hợp trong một cuộc vận động khổng lồ nhằm tìm giải pháp chống biến đổi khí hậu và tìm kiếm sự công bằng.

Nhưng ít nhất có một điểm khiến cho Thỏa thuận Paris sẽ đi vào lịch sử: Các phái đoàn đã không trở về tay trắng như tại Copenhagen năm 2009 và sẽ không đóng cánh cửa dẫn đến các hành động mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.

Nói một cách hình tượng, con đường chống biến đổi khí hậu không dừng ở Paris mà nó sẽ từ Paris để đi tiếp.

Thỏa thuận Paris gồm những điểm chính:
- Giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới ngưỡng 20C và có các nỗ lực giới hạn mức độ ấm lên của trái đất không quá 1,50C.
- Giới hạn lượng khí nhà kính thải ra từ các hoạt động của con người bằng với mức độ mà thực vật, đất và các đại dương có thể hấp thụ một cách tự nhiên - kể từ một thời điểm nhất định trong giai đoạn 2050-2100.
- Cứ 5 năm một lần xem xét lại mức độ đóng góp của các quốc gia đối với việc cắt giảm phát thải khí nhà kính để các quốc gia có thể đương đầu với thách thức.
- Các nước giàu giúp các nước nghèo bằng cách cung cấp khoản “tài chính khí hậu” nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu và chuyển sang dùng năng lượng tái tạo.