Liên minh châu Âu cùng 9 quốc gia khác đã đồng ý với thỏa thuận ngừng đánh bắt cá tại khu vực Bắc Băng Dương trong 16 năm.

Hôm 30/11, các cường quốc đã đồng ý với thỏa thuận cấm đánh bắt cá tại khu vực Bắc Băng Dương ít nhất là 16 năm, cho đến khi có một kế hoạch khai thác bền vững hơn.

Diện tích băng ở Bắc Cực và khu vực Bắc Băng Dương đang không ngừng bị thu hep. Ảnh:NASA.
Diện tích băng ở Bắc Cực và khu vực Bắc Băng Dương đang không ngừng bị thu hep. Ảnh:NASA.

Quyết định này sẽ giúp cho các nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu về hệ sinh thái Bắc Cực - nơi băng đang tan nhanh, đồng thời góp phần bảo vệ khu vựng rộng lớn hơn 2,8 triệu km2 bên trên Alaska và Chukotka.

Các quốc gia trên đều đồng ý về ràng buộc pháp lý giữa những nước có chung đường biển Bắc Cực (Mỹ, Nga, Canada, Đan Mạch, Na Uy), các nước không chung đường biển Bắc Cực nhưng có cử tàu cá tới đây khai thác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iceland) và Liên minh châu Âu (EU).

Đây được xem như nỗ lực nằm trong chương trình nghiên cứu khoa học chung giữa nhiều quốc gia, nhằm tìm hiểu về quần thể cá tại khu vực này và ảnh hưởng của chúng tới các hoạt động thương mại. Thỏa thuận sẽ được gia hạn 5 năm một lần, trừ khi một hay tất cả các bên tham gia đề xuất giải pháp khác.

"Đây là thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đồng thời là dịp hiếm hoi các chính phủ cùng hợp tác chặt chẽ để ngăn ngừa những vấn đề có thể phát sinh trước khi nó xảy ra" - David Balton - Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề về đại dương và ngư nghiệp - cho biết.

Hiện nay, diện tích băng ở Bắc Cực và khu vực Bắc Băng Dương đang không ngừng bị thu hẹp, đặc biệt là vào mùa hè do ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu. So với những khu vực khác trên thế giới, nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực đang tăng nhanh gấp 2 lần.