Tại sự kiện “Diễn đàn Khoa học và Công nghệ lần thứ 6” diễn ra ngày 26/8, sản phẩm “Thiết bị giám sát chất lượng không khí” của sinh viên ĐH Cần Thơ đã giành giải nhất cuộc thi “Trình diễn công nghệ của các nhà khoa học trẻ, sinh viên, nhóm khởi nghiệp sáng tạo”.

Thiết bị giám sát chất lượng không khí.

Sự kiện do Trung tâm Dịch vụ công nghệ cao Hoà Lạc (Hoa Lac TOT) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Cần Thơ, Đại học (ĐH) Cần Thơ, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Cần Thơ tổ chức có hơn 15 sản phẩm, công trình tiêu biểu được trình diễn và triển lãm.

Ngoài giải Nhất thuộc về nhóm HL thuộc ĐH Cần Thơ, nhóm T&Q giành giải Nhì với giải pháp “Website du lịch tích hợp hệ thống gợi ý” và nhóm COSIN với sản phẩm“Hệ thống giám sát và điều khiển ứng dụng trong nông nghiệp” đoạt giải Ba.

Theo ban tổ chức, điều rất đáng hoan nghênh là xu hướng công nghiệp 4.0 đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng sinh viên, nhà khoa học trẻ. Các vấn đề được chú trọng giải quyết là nhu cầu thị trường, đặc biệt là về môi trường, quản lý giám sát trong thương mại, dịch vụ, canh tác nông nghiệp để tạo ra nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng, hỗ trợ các thành phần kinh tế trong xã hội... Nếu được tạo cơ hội để phát triển, những sản phẩm này có nhiều khả năng để thương mại hoá.

 Toàn cảnh
Toàn cảnh Diễn đàn Khoa học và Công nghệ lần thứ 6.

Một số sản phẩm tiêu biểu khác gồm: Điểm danh sinh viên bằng smartphone; hệ thống giám sát và điều khiển ứng dụng trong nông nghiệp; phần mền quản lí shiper, nơi kết nối shiper và người bán hàng; sáp đuổi muỗi từ tinh dầu thực vật; xây dựng bộ hình ảnh chi tiết về các loài thực vật ở một số đảo thuộc tỉnh Kiên Giang; câu lạc bộ quản lí PG/PB chuyên nghiệp; giải pháp trồng rau thủy canh hồi lưu hai mạch nước; website du lịch tích hợp hệ thống gợi ý...

Trong khuôn khổ diễn đàn, ban tổ chức đã nhận được sự ủng hộ để ra mắt Liên minh Câu lạc bộ nhà khoa học trẻ khởi nghiệp miền Nam với sự tham gia của 13 trường ĐH, Cao đẳng như ĐH Cần Thơ; ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Nông lâm TPHCM…

Tại sự kiện này, ban tổ chức cũng đã phối hợp với Sở KH&CN Cần Thơ mời đến những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ có tầm, nguồn lực mạnh mẽ để kết nối, tương tác với các nhóm thông qua màn trình diễn ý tưởng, vấn đáp trực tiếp. Điều này giúp doanh nghiệp có cơ hội tìm thấy công nghệ mình cần, các ý tưởng đầu tư kinh doanh mới và giúp các nhóm nghiên cứu tìm được cơ hội đầu tư để phát triển, ứng dụng các sản phẩm.

Nhân dịp này, Trung tâm Dịch vụ công nghệ cao Hòa Lạc đã ký kết biên bản hợp tác với ĐH Cần Thơ và Sở KH&CN Cần Thơ nhằm xây dựng mạng lưới nhà khoa học trẻ khởi nghiệp, phối hợp triển khai các hoạt động thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên, kết nối nguồn lực đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp với cộng đồng nhằm thúc đẩy thương mại hoá sản phẩm sáng tạo, ứng dụng thực tiễn vào đời sống, kinh doanh.