Với 60 dự án nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng mới, đến năm 2020, toàn thế giới sẽ có 505 nhà máy điện hạt nhân.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng năng lượng hạt nhân vẫn là lựa chọn cho tương lai của nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà máy điện hạt nhân có thể đóng góp một hệ thống năng lượng tin cậy khi được trang bị nhiều công nghệ hiện đại. Đối với các nước đang phải nhập khẩu năng lượng, điện hạt nhân có thể làm giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài và hạn chế ảnh hưởng của biến động giá nhiên liệu.

Hiện tại, có hơn 60 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, không chỉ các nước phát triển, các quốc gia đang phát triển cũng khởi động các dự án điện hạt nhân công suất lớn.

Nhà máy điện hạt nhân Civaux tại Civaux, Pháp. Ảnh: Ansuclearcafe.org
Nhà máy điện hạt nhân Civaux tại Civaux, Pháp. Ảnh: Ansuclearcafe.org

Theo số liệu của Hiệp hội Hạt nhân thế giới, tính đến tháng 1/2016 có khoảng 440 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng công suất hơn 380GWe. Năm 2014, các nhà máy này đã cung cấp lượng điện 2.411 tỷ kWh - chiếm hơn 11% tổng năng lượng điện trên thế giới.

Các nhà máy điện hạt nhân công suất lớn tập trung ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Vương quốc Arập Saudi. Vương quốc Arập Saudi trong đầu năm 2016 đã trao gói thầu 20,4 tỷ USD cho các nhà thầu Hàn Quốc xây 4 lò phản ứng hạt nhân, hoàn thành vào năm 2020.

Với 5 lò phản ứng đang xây mới, bên cạnh 5 lò đang xây dựng và sẽ hoàn thành vào năm 2020, Mỹ vẫn sẽ đứng đầu thế giới về lượng điện hạt nhân sản xuất ra. Trong khi đó, Hàn Quốc sẽ đưa thêm 4 lò phản ứng vào hoạt động năm 2018 và 8 lò nữa năm 2030 và một trong những nước dẫn đầu các nước sản xuất điện hạt nhân ở châu Á.

Nga đang có 6 lò đang được xây dựng, dự kiến sẽ tăng sản lượng điện hạt nhân lên 50% vào năm 2030. Còn tại Trung Quốc, có tới 29 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động và hơn 20 nhà máy đang xây dựng. Dự kiến đến năm 2020, với tổng công suất điện hạt nhân tăng hơn 2 lần, Trung Quốc sẽ trở thành nước lớn thứ ba về điện hạt nhân. Tại Ấn Độ cũng có tới 21 nhà máy đang vận hành và 6 nhà máy đang xây dựng.

Các chuyên gia cho biết với đà này, sau năm 2020, điện hạt nhân sẽ đạt tới độ phủ rộng chưa từng có nhờ vào việc nhiều nước được chuyển giao công nghệ điện hạt nhân. Báo cáo năm 2014 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, đến năm 2030 năng lượng điện hạt nhân sẽ tăng 60%; trong đó Trung Quốc tăng 46%, Hàn Quốc và Nga tăng 30% và Mỹ tăng 16%. Những con số cho thấy, điện hạt nhân vẫn là lựa chọn của nhiều nước để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phát triển.