Chính thức ra mắt vào ngày 29/1/2019, Chi hội nữ trí thức (Học viện nông nghiệp Việt Nam) được kỳ vọng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường hỗ trợ các nhà khoa học nữ của trường trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy.

Chiếm tới 54,29% số lượng cán bộ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các nhà khoa học nữ đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Theo bảng xếp hạng của Webometrics năm 2017- một bảng xếp hạng website của các trường đại học dựa trên nội dung và số lượng trích dẫn các công bố của các trường đại học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đứng thứ 3 trong số các trường đại học ở Việt Nam về số lượng công bố và trích dẫn, chỉ sau ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong thành công này, có sự đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học nữ. Chỉ tính riêng năm 2018, các nhà khoa học nữ là chủ nhiệm 109/283 đề tài nghiên cứu, xuất bản 375/482 bài báo, trong đó có 74/137 bài báo quốc tế, và được công nhận 3/10 giải pháp hữu ích, quy trình mới, giống mới…


Toàn cảnh đại hội. Nguồn: vnua.

Trong đội ngũ các nhà khoa học nữ của Học viện, có nhiều gương mặt tiêu biểu và có nhiều công trình và sản phẩm nghiên cứu nhiều ý nghĩa và đóng góp cho nông nghiệp Việt Nam như PGS.TS Nguyễn Thị Trâm – người đã nghiên cứu và tạo ra hàng chục giống lúa lai có năng suất và chất lượng cao, từng được chuyển nhượng với giá trị lên tới hàng tỷ đồng; GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan với nhiều phương pháp phòng chống bệnh cho các loại gia súc như chế tạo bộ kit chẩn đoán bệnh tiên mao trùng ở gia súc, đã được ứng dụng rộng rãi ở nhiều địa phương; PGS.TS Tạ Thị Thu Cúc không chỉ thực hiện nhiều đề tài giá trị về rau quả, mà còn là người góp phần khởi xướng phong trào trồng rau sạch,…Nhiều người trong số họ đã từng được nhận giải thưởng Kovalevskaia dành cho nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu.

Tại buổi lễ ra mắt Chi hội, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch hội đồng Học viện đã nêu nhận xét về nỗ lực và phẩm chất của các đồng nghiệp nữ trong nghiên cứu khoa học, “luôn cẩn thận, chăm chỉ và trách nhiệm, thậm chí hơn cả nam giới chúng tôi”. Đây là lý do vì sao, nhiều nhà khoa học nữ của học viện đã vượt qua được rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, qua đó đảm bảo sự cân bằng giữa hoạt động nghiên cứu và gia đình.

Nhắc đến khó khăn “từ chính hoàn cảnh riêng mà mỗi người phụ nữ đôi khi phải đương đầu”, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện cho rằng, “sự ra đời của Hội nữ trí thức Học viện sẽ là cầu nối để đội ngũ nữ trí thức thực hiện tốt hơn những trọng trách, cũng như môi trường thuận lợi để khai thác, phát huy tiềm năng cũng như thiết thực chăm lo, hỗ trợ cho nữ trí thức”.