Thực trạng bạo lực học đường, trầm cảm, tự tử,… đặt ra yêu cầu bức thiết về việc cần có những tư vấn và trị liệu tâm lý sớm ngay tại nhà trường cho trẻ, tuy nhiên Việt Nam lại đang gặp nhiều hạn chế về nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng tham vấn tâm lý học đường.


Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thành Long.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thành Long.

Đó là những nội dung quan trọng được thảo luận trong hội thảo “Đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh 4.0” do ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) đã tổ chức ngày 23/4.

Vấn đề đời sống và sức khỏe tinh thần của trẻ em Việt Nam đang ở tình trạng đáng báo động. Nghiên cứu của tổ chức Plan International chỉ ra rằng 71% học sinh Việt Nam đã từng bị bạo lực dưới nhiều hình thức khác nhau. Nghiên cứu dịch tễ trên 7 tỉnh phía Bắc của cán bộ Trường ĐH Giáo dục cũng cho thấy khoảng 20% các em học sinh có tổn thương sức khỏe tâm thần tới mức cần phải can thiệp trị liệu.

Hiện tại công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam hầu hết là do các bác sĩ chuyên khoa đảm nhiệm. Tuy nhiên những trường hợp được điều trị chỉ mới là “phần nổi của tảng băng chìm”. Các em và gia đình chỉ tìm đến bác sĩ khi những rối nhiễu tâm lý như trầm cảm, bạo lực, tự tử,… đã nghiêm trọng. Việt Nam đang rất thiếu đội ngũ chuyên gia tham vấn học đường - lực lượng có khả năng phát hiện sớm những biểu hiện tâm lý xã hội bất thường ở trẻ và hỗ trợ giải quyết. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, chúng ta đang cần đào tạo khoảng 70.000 tham vấn viên để đạt mục tiêu tiêu đến năm 2020, 90% các trường PTTH, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học trên toàn quốc thành lập bộ phận tư vấn trường học. Nhu cầu về tham vấn học đường đang ngày càng gia tăng và trở thành một nhu cầu xã hội bức thiết.

Nhận thức được thực trạng này, Bộ GD&ĐT từ lâu đã xây dựng những văn bản pháp lý quy định về công tác tư vấn tâm lý, theo TS. Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở kinh nghiệm các hợp tác với các tổ chức quốc tế như UN Women, Plan International về chống bạo lực học đường, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư 31/2017/TT-BGDĐT “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.” Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục học Hà Nội đánh giá, động thái này của Bộ GD&ĐT cũng như việc bổ sung mã ngành tâm lý học trong tuyển sinh là cơ sở quan trọng để phát triển lực lượng chuyên viên tham vấn học đường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để phát triển được tham vấn học đường, cần rút kinh nghiệm từ các mô hình hoạt động của một số đơn vị. Do đó, tại buổi hội thảo, các chuyên viên tham vấn học đường tại các trường quốc tế tại Hà Nội cũng chia sẻ mô hình và kinh nghiệm hoạt động của mình. Mô hình của trường quốc tế British International School (BIS) gồm nhiều cấp: tư vấn đầu vào ban đầu là giáo viên chủ nhiệm, sau đó chuyển cho giáo viên tổng phụ trách và cuối cùng là chuyên viên tham vấn. Mô hình tại trường quốc tế Concordia thì tương đối khác biệt, Ths. Linda Bloemberg chia sẻ rằng bà thường xuyên trò chuyện trực tiếp với học sinh để xây dựng sự tin tưởng cho các em chia sẻ. Bà cho rằng một trong những hạn chế hiện nay là giáo viên, quản lý trường thường không thực sự hiểu mục tiêu của tham vấn viên nên không có những hỗ trợ thiết thực.

Các chuyên viên tham vấn đều thống nhất rằng hoạt động tham vấn học đường không thể phụ thuộc vào riêng tham vấn viên. Tham vấn viên chỉ phụ trách các trường hợp không thể giải quyết sau khi có các can thiệp phổ quát ban đầu từ giáo viên và cha mẹ học sinh, đồng thời trong một số ca nghiêm trọng (chiếm khoảng 5%) thì phải chuyển tuyến sang các nhà tâm lý học cộng đồng hoặc can thiệp y khoa. Vì vậy, điều cần thiết là phải có mạng lưới hợp tác giữa gia đình, giáo viên, tham vấn viên, các nhà tư vấn cộng đồng và chuyên gia về học tập.