Cục Thông tin KH và CN quốc gia cho biết, hiện có khoảng 600 đơn vị trong đó nhiều trường ĐH đã đăng ký tham gia Techmart 2015 . Công tác chuẩn bị đang được tích cực triển khai ở các đơn vị để mang đến "chợ" những sản phẩm, kết quả nghiên cứu tiêu biểu.

Chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế Việt Nam 2015 (International Techmart Vietnam 2015), do Bộ KH&CN, Ủy ban KH&CN ASEAN, UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 01- 04/10/2015 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Sản phẩm nghiên cứu của bộ môn Hàng không - Vũ trụ
Sản phẩm nghiên cứu của bộ môn Hàng không - Vũ trụ

Sản phẩm từ trường mang đến “chợ”

Là trường ĐH nghiên cứu hàng đầu cả nước nên việc tham gia Techmart luôn được Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xác định là một hoạt động trọng tâm của công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Chính vì vậy, khi nhận được kế hoạch tổ chức Chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế Việt Nam 2015, nhà trường đã triển khai tới các Viện để lựa chọn sản phẩm tham dự.

Hơn 100 sản phẩm sẽ được trưng bầy tại 14 gian hàng là những kết quả nghiên cứu tiêu biểu của cán bộ giảng viên nhà trường trong thời gian qua, trong đó có những sản phẩm đã trở thành hàng hóa, cũng có những kết quả nghiên cứu còn cần được đầu tư để có thể ra thị trường, song nó phần nào cho thấy số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Điều này lý giải vì sao, tham gia Techmart, nhiều sản phẩm nghiên cứu của trường đã được tăng cúp vàng và quan trọng hơn là được ứng dụng hiệu quả trong nhiều ngành kinh tế, xã hội. Tiêu biểu như sơn vô cơ chịu nhiệt của Viện Kỹ thuật Hóa học hay lõi neo dự ứng lực của Viện Khoa học công nghệ vật liệu tại Techmart 2012.

Lãnh đạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, tham gia Hội chợ lần này, Viện Cơ khí động lực sẽ giới thiệu tua bin điện gió kiểu trục ngang làm việc trong dải công 15-20kW, một thiết bị phát điện phù hợp với tốc độ gió thấp của Việt Nam, có khả năng ứng dụng ở nhiều địa phương. Viện cũng mang đến "chợ" những sản phẩm công nghệ đáp ứng yêu cầu của thực tế cuộc sống như bộ chuyển đổi động cơ xe máy phun xăng điện tử sang sử dụng nhiên liệu linh hoạt hay bộ xúc tác tạo khí giàu hydro từ nhiên liệ xăng lắp trên ô tô và xe máy.

Viện Điện tử viễn thông có nhiều sản phẩm y sinh phục vụ cho ngành y tế như thiết bị điện xung đa mode, thiết bị điều trị viên cơ khớp, hệ thống thiết bị theo dõi bệnh nhân trung tâm không dây, hệ thống pha dịch lọc đậm đặc dùng trong điều trị thận nhân tạo...Viện Kỹ thuật Hóa học tiếp tục hoàn thiện công nghệ sản xuất sơn vô cơ chịu nhiệt để sản phẩm có thể chịu được đến nhiệt độ 1000 độ C...Các sản phẩm mang "bán" của Viện Khoa học công nghệ Nhiệt lạnh cũng rất gần gũi với đời sống như thiết bị cung cấp nước nóng phục vụ sinh hoạt, bếp hóa khí sinh khối cải tiến, hệ thống máy lanh bảo quản sử dụng năng lượng mặt trời và nhiệt thải, lò đốt chất thải sinh hoạt rắn... Ngoài ra, còn có rất nhiều sản phẩm của các Viện có truyền thống nghiên cứu như Cơ khí, Điện, ITIMS, Vật lý kỹ thuât ....

Đầu tư 50 tỷ đồng/ năm với trên 300 đề tài dự án các cấp

Sở dĩ có thể mang đến "chợ" nhiều sản phẩm nghiên cứu bởi là một trường kỹ thuật đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động KHCN của trường ĐH Bách khoa Hà Nội được chia ra các lĩnh vực khác nhau với sự tham gia của một lực lượng NCKH hùng hậu tại các khoa/viện/trung tâm NCKH.

Những năm gần đây, nhà trường đã đạt được những chuyển biến tích cực trong KHCN. Cơ chế quản lý về KHCN đã thay đổi cơ bản. Việc đăng ký, xét duyệt đề tài minh bạch, rõ ràng nên đã thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên tham gia, tỷ lệ thắng thầu và số lượng đề tài đều tăng. Trường đã xây dựng kế hoạch, định hướng nghiên cứu chính ngắn hạn, trung hạn và dài hạn được thực hiện thông qua việc xây dựng các chương trình nghiên cứu,với danh mục các đề tài và lộ trình thực hiện rõ ràng. Cơ chế quản lý KHCN đã được đổi mới nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả công tác NCKH-CGCN, đặc biệt trong việc tổ chức đăng ký, xét duyệt và thực hiện các đề tài, thông qua các hội đồng khoa học liên ngành.

Các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm nghiên cứu mở gắn với các phòng thí nghiệm đầu tư tập trung, xây dựng 03 trung tâm nghiên cứu hỗn hợp. Đa dạng hóa các loại hình NCKH nhằm khai thác hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách và hợp tác quốc tế, liên kết với các doanh nghiệp.

Kinh phí sự nghiệp cho hoạt động KHCN đã vượt mức đầu tư 50 tỷ đồng/ năm với trên 300 đề tài dự án các cấp (trong đó có 60 - 70 đề tài cấp nhà nước). Đặc biệt từ năm 2012, Trường đã lọt vào danh sách của 3500 tổ chức nghiên cứu được xếp hạng trên thế giới của tổ chức SCImago (cùng với Viện Khoa học Việt nam, và 2 đại học Quốc gia).

Được biết, một điểm mới của trường ĐH Bách Khoa trong lần tham gia Techmart này là có sự tham gia của hệ thống doanh nghiệp khoa học công nghệ của trường. Theo lý giải của nhà trường, hội chợ không phải là triển lãm, đến chợ là để bán hàng, song với các cơ sở đào tạo, nhiều sản phẩm nghiên cứu có khi chỉ dừng là ý tưởng, là những sản phẩm thô ráp, cần phải được đầu tư cả thời gian, công sức và kinh phí mới có thể trở thành hàng hóa.

Quá trình này cần có sự tham gia của hệ thống doanh nghiệp, nhưng hiện ít trường ĐH có mô hình này. Vì vậy, sau một thời gian đổi mới quản lý khoa học công nghệ, hiện nhà trường đã có hệ thống doanh nghiệp với mục tiêu trở thành "bà đỡ" cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và việc tham gia Hội chợ là một hoạt động để đạt mục tiêu đó.

Từ sự chuẩn bị tham gia Hội chợ của trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cơ sở đào tạo đã tham gia đầy đủ, luôn chiếm vị trí quan trọng và thu hút sự quan tâm của khách đến "chợ" - có thể thấy nguyên nhân đem đến thành công của 5 kỳ Techmart quốc gia và quốc tế trong 12 năm qua. Đó là bởi Techmart là một trong những hình thức hoạt động hiệu quả nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN, phát triển thị trường KH&CN. Ở đó không chỉ có hoạt động giới thiệu, mua - bán sản phẩm mà còn cung cấp thông tin để cơ quan quản lý nhận biết tốt hơn những nhu cầu thực tiễn, điều chỉnh hướng ưu tiên, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong giao dịch công nghệ, nhận biết xu hướng phát triển công nghệ, thúc đẩy quá trình thương mại hóa các sản phẩm công nghệ và đánh giá hiệu quả hoạt động KH&CN phục vụ cho điều chỉnh các định hướng chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KH&CN. Hội chợ với hàng vạn lượt người tham gia cũng sẽ giúp cho cộng đồng cảm nhận rõ nét hơn vai trò, tầm quan trọng của KH&CN trong đời sống, góp phần “hậu thuẫn xã hội cần thiết” cho việc ứng dụng và phổ cập các thành tựu KH&CN sớm vào thực tiễn.