"Doanh nghiệp có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước (GDP). Tuy nhiên, giá trị của quyền SHTT thường không được đánh giá đầy đủ và tiềm năng của quyền SHTT cũng chưa được các doanh nghiệp nhận thức đúng mức".

Là nhận định của ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT) - tại tọa đàm "Tọa đàm Sở hữu trí tuệ nâng cao vị thế và giá trị doanh nghiệp", diễn ra chiều 25/04.

Sự kiện do Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội sở hữu trí tuệ (VIPA) tổ chức.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh: “SHTT đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy giá trị tài sản trí tuệ có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị tài sản hữu hình. Việc bảo hộ SHTT góp phần nâng cao năng lực, vị thế của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển nền kinh tế, giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước”.

Theo ông Phí, bảo hộ SHTT là công cụ cạnh tranh hữu hiệu cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia. Đối với mỗi quốc gia, doanh nghiệp, năng lực SHTT là một trong những năng lực nội sinh quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững. Quốc gia, doanh nghiệp nào có được càng nhiều quyền SHTT thì năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp đó càng cao.

Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ. Ảnh: Loan Lê.

"Doanh nghiệp có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP. Tuy nhiên, giá trị của quyền SHTT thường không được đánh giá đầy đủ và tiềm năng của quyền SHTT cũng chưa được các doanh nghiệp nhận thức đúng mức. Trên thực tế, khi quyền SHTT được bảo hộ pháp lý và trên thị trường có nhu cầu về các loại sản phẩm hoặc dịch vụ được bảo hộ SHTT thì khi đó quyền SHTT trở thành một tài sản kinh doanh có giá trị", ông Phí cho biết.

TS Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận định: “Chúng ta nói nhiều đến chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, quyền bảo hộ... kiểu dáng công nghiệp, câu chuyện về tài sản vô hình nhưng dường như ở đâu đó vẫn còn xa vời với doanh nghiệp. Trong khi giá trị, vị thế của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào tài sản trí tuệ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế tri thức hiện nay”.

Cùng chung với quan điểm trên, PGS - TS Mai Hà - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) - đánh giá: “Tài sản trí tuệ có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng vai trò lớn này trong nền kinh tế đang chuyển đổi chưa được đánh giá đúng. Doanh nghiệp cần nhận thức được rằng ở trình độ phát triển của xã hội hiện nay, tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình có giá trị kinh doanh lớn hơn nhiều lần các loại tài sản hữu hình cộng lại”.

Theo TS Hà, bất kể doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hay dịch vụ gì thì chắc chắn là doanh nghiệp đã và đang sử dụng và tạo ra rất nhiều tài sản trí tuệ. Do đó, doanh nghiệp cần xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý và thực thi quyền SHTT của mình nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất từ quyền này, cũng như cần nghiên cứu để tránh những tranh chấp, kiện tụng tốn kém nếu doanh nghiệp đang vô tình sử dụng quyền SHTT của người khác.

Diễn giả trình bày tham luận tại tọa đàm.

Cũng tại tọa đàm, khi nói về vai trò của Chỉ dẫn địa lý đối với doanh nghiệp, bà Hà Nguyệt Thu - Trung tâm Nghiên cứu đào tạo thuộc Cục SHTT - cho rằng: “Lợi ích của bảo hộ CDĐL đối với người sản xuất, doanh nghiệp đó là được xác nhận về nguồn gốc sản phẩm, được pháp luật bảo vệ, tăng khả năng cạnh tranh, công cụ quảng cáo tiếp thị hữu ích, giúp tăng doanh số và lợi nhuận”.

Trong khi đó, TS Mai Hà cho rằng: "Khi doanh nghiệp bảo hộ tốt quyền SHTT, doanh nghiệp sẽ có các lợi thế về cạnh tranh so với đối thủ, tạo được vị trí vững chắc trên thị trường; nâng cao giá trị của doanh nghiệp khi được định giá bởi các nhà đầu tư; tạo thu nhập cho doanh nghiệp thông qua chuyển nhượng quyền sở hữu...".