Đề án biến Singapore thành một trung tâm sở hữu trí tuệ (SHTT) trong 10 năm được đề xuất vào tháng 4/2013 bởi Chủ tịch Ban chỉ đạo về SHTT nước này - ông Teo Ming Kian. Nhiều việc quan trọng đã được Singapore thực hiện để biến các mục tiêu đề án thành hiện thực.

“Đua nhau” đến Singapore đăng ký bảo hộ sáng chế

Là quốc gia có sẵn thế mạnh về SHTT, Singapore có nhiều thuận lợi khi thực hiện đề án trở thành trung tâm SHTT thế giới tại châu Á. Theo số liệu được Cơ quan SHTT Singapore đưa ra, trong giai đoạn từ 2009-2014, Mỹ là quốc gia đăng ký bảo hộ sáng chế ở Singapore nhiều nhất với trên 50.000 đơn - chiếm hơn 50% số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế tại quốc gia này. Số đơn của Nhật Bản chiếm 13%.

Điều đặc biệt là với các đơn đăng ký từ Singapore, 95% số sáng chế không phải do người bản xứ tạo ra. Điều này cho thấy các công ty nước ngoài coi Singapore là một thị trường lớn, đầy tiềm năng cho các sản phẩm của mình và để có thể phát huy hết giá trị của sáng chế, họ đăng ký bảo hộ tại Singapore.

Không chỉ nổi trội hơn các quốc gia trong khu vực ở số bằng sáng chế, các công ty luật chuyên về SHTT ở Singapore (gồm cả các công ty trong nước và công ty nước ngoài đặt cơ sở ở Singapore) cũng chứng tỏ sự chuyên nghiệp và am hiểu về lĩnh vực này. Số liệu từ Cơ quan SHTT Singapore cho thấy, Drew and Napier LLC là công ty luật xử lý nhiều đơn đăng ký bảo hộ nhất trong giai đoạn từ năm 2009-2014 với 19.508 đơn; tiếp theo là Spruson& Ferguson Pte Ltd với 15.516 đơn.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh (phải) và ông Daren Tang ký kết kế hoạch hợp tác năm 2017-2018. Ảnh: NOIP

Rất nhiều công ty công nghệ lớn như Qualcomm Inc, Novartis, Exxon Mobil, Hitachi Ltd... đang thông qua các công ty luật trên để đăng ký sáng chế tại Singapore. Số đơn “khủng” mà các công ty luật này giải quyết càng khẳng định thực tế là các chủ sở hữu sáng chế nước ngoài rất kỳ vọng vào thị trường Singapore, đồng thời cho thấy sự nhộn nhịp, phát triển của thị trường bằng sáng chế tại quốc gia “con rồng châu Á” này.

Bên cạnh các đơn đăng ký bảo hộ sáng chế có nguồn gốc nước ngoài, các trường đại học, công ty Singapore cũng rất tích cực trong việc đăng ký bảo hộ. Trong giai đoạn từ năm 2009-2014, Cơ quan Nghiên cứu khoa học, công nghệ Singapore đã đăng ký bảo hộ 1.607 sáng chế, Công ty công nghệ Creative Technology Ltd đăng ký 479 sáng chế, Đại học Công nghệ quốc gia Singapore đăng ký 363 bằng độc quyền sáng chế...

Ngoài việc đăng ký sáng chế, trong 5 năm (từ năm 2009-2014), Cơ quan Nghiên cứu khoa học, công nghệ Singapore đã ký kết hơn 250 thỏa thuận về trao giấy phép sử dụng sáng chế, thiết lập được mối quan hệ hợp tác với những công ty lớn như Fujitsu, P&G, GE HealthCare, L’Oreal và Lloyd’s.


Từng bước thực hiện chiến lược

Bộ Tư pháp Singapore viết trên website chính thức: “Việc biến Singapore thành một trung tâm SHTT thế giới ở châu Á sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm có giá trị cao ở Singapore và kéo theo rất nhiều lợi ích cho khu vực dịch vụ liên quan tới SHTT và tư pháp, cũng như cho chính chủ sở hữu sáng chế”.

Nhận thức được điều này, Singapore đã rất tích cực trong việc thực hiện đề án. Họ thành lập Trung tâm Định giá tài sản sở hữu trí tuệ để giúp các công ty có tài sản trí tuệ dễ dàng hơn trong việc vay vốn ngân hàng và gọi vốn đầu tư. Singapore cũng tổ chức các khóa học liên quan tới giá trị tài sản trí tuệ để mọi người nhận thức tốt hơn về vấn đề này.

Nhằm thúc đẩy quá trình thẩm định đơn đăng ký bảo hộ, Singapore đã đầu tư 40,3 triệu USD để thành lập các đơn vị chuyên thẩm định và tra cứu bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ. Nhân viên của các đơn vị này được đi tu nghiệp tại các cơ quan bảo hộ sáng chế châu Âu và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị nhân lực cho lĩnh vực thẩm định đơn, Singapore đầu tư 12,1 triệu USD vào Học viện SHTT với mục đích nâng số chuyên gia giàu kinh nghiệm về SHTT lên 1.000 người vào năm 2018.

Đầu năm 2017, Singapore cho ra mắt Quỹ đổi mới sáng tạo Makara trị giá 718 triệu USD. Mục tiêu của quỹ là đầu tư từ 30-150 triệu USD cho 10-15 doanh nghiệp khởi nghiệp trong vòng 8 năm, với tỷ lệ hoàn trả lên tới 12-15%. Các doanh nghiệp được đầu tư phải đáp ứng yêu cầu “có công nghệ cạnh tranh mang tính toàn cầu”.

Với những việc đã và đang thực hiện, Singapore đang tiến gần hơn tới đích của đề án biến đất nước mình thành trung tâm SHTT thế giới ở châu Á và khiến các hoạt động SHTT trở thành một động lực phát triển kinh tế trong những năm tới.