Công ty Cổ phần Văn hoá Truyền thông Sống vừa cho ra mắt iPub, nền tảng công nghệ xuất bản điện tử đầu tiên ở Việt Nam, giúp rút ngắn quy trình và minh bạch chi phí xuất bản.


Giao diện iPub. Ảnh chụp màn hình.

Đây là công cụ hỗ trợ, kết nối hoạt động xuất bản điện tử; tối giản và minh bạch các quy trình xuất bản; bỏ qua các bước trung gian, đưa tác phẩm đến tay độc giả nhanh chóng.

Cụ thể, nếu muốn xuất bản một bản thảo, bạn có thể sử dụng nền tảngiPub để chủ động giới thiệu về dự án của mình và được hỗ trợ xin giấy phép xuất bản tác phẩm dưới dạng sách in hoặc sách điện tử. Nền tảng cũng cung cấp công cụ để bạn tự thiết kế bìa, dàn trang; ước tính chi phí thực tế phải bỏ ra; đo lường số người đặt mua sách; và theo dõi doanh thu, lợi nhuận trên từng đầu sách.

Nói cách khác, nếu trước đây xuất bản gồm nhiều khâu rời rạc thì giờ đây, tất cả các khâu (bao gồm nhà xuất bản, nhà in, nhà kho, nhà sách/nhà phân phối) được tích hợp vào iPub, và thông qua iPub, tác phẩm sẽ đi thẳng đến độc giả.

Công ty Sống khẳng định, iPub sẽ giúp tiết kiệm thời gian sản xuất và xuất bản tới 50% so với hình thức xuất bản truyền thống.

Tuy nhiên, bạn sẽ phải chia đôi doanh thu với iPub khi dự án thành công. Thí dụ, nếu bạn xuất bản và bán được một cuốn e-book dài khoảng 50 nghìn chữ cho 1.000 độc giả thì bạn sẽ thu về từ 3 đến 11 triệu đồng, tùy thuộc vào số dịch vụ hỗ trợ (biên tập, thiết kế bìa, dàn trang, PR/Marketing...) mà bạn sử dụng.

Theo đại diện của Công ty Sống,iPub được thiết kế chủ yếu hướng đến các tác giả mới và hiện nền tảng này đang trong thời gian sử dụng miễn phí.

“Trong quá trình làm việc với nhiều tác giả Việt, chúng tôi nhận thấy họ không nắm được quy trình xuất bản, phải gửi bản thảo cùng lúc đến nhiều nhà xuất bản và chờ đợi rất lâu trước khi tác phẩm ra đời,” người đại diện nói với Khoa học và Phát triển và cho biết, hiện iPub đã được 3 nhà xuất bản - bao gồm Giáo dục, Truyền thông, và Tài nguyên môi trường - đồng ý liên kết cấp giấy phép xuất bản e-book.

Cũng theo Công ty Sống, năng lực ngành xuất bản ở Việt Nam hiện nay mới đáp ứng 30% số lượng bản thảo được gửi đến và công nghệ số có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Bình luận về ứng dụng iPub với Khoa học và Phát triển, nhà văn Trương Quý cho rằng đây là một nền tảng thông minh, lượng hóa được rõ ràng công việc xuất bản. “iPub giống như một công cụ đại chúng hóa việc xuất bản,” anh nói.

Tuy nhiên, anh bày tỏ băn khoăn, “nền tảng này dường như có khía cạnh kết nối truyền thông, tức là công bố ý tưởng khi bản thảo chưa xong xuôi. Thường thì không phải tác giả nào cũng sẵn sàng cho bước đó từ đầu bởi nó ẩn chứa rủi ro về bảo hộ tác quyền. Nhiều khi chỉ cần liếc qua vài mô tả là có thể thuổng được ý tưởng hay làm một tác phẩm để cạnh tranh.”

Với cá nhân anh, then chốt của việc xuất bản nằm ở “quan hệ giữa tác giả và biên tập viên. Các tác giả chỉ yên tâm khi được làm việc với một biên tập viên cụ thể, và đó là mối quan hệ thực, giữa hai cá thể. Như tôi bây giờ, khi muốn in sách thì mối bận tâm lớn nhất có lẽ là ai sẽ làm biên tập cho mình, còn các khâu còn lại mang tính kỹ thuật thôi, dễ chuẩn hóa.”