Nền tảng này hướng tới góp phần số hóa ngành vận tải hành khách đường dài, giúp các doanh nghiệp vận tải dù ở quy mô nào cũng có thể chuyển đổi số, quản trị khoa học, giảm bớt lãng phí cho chính doanh nghiệp và xã hội.

Sáng 9/4, Bộ Thông tin và Truyền thông khởi động lại loạt sự kiện ra mắt các nền tảng chuyển đổi số với tên gọi mới - "Diễn đàn Thách thức công nghệ số Việt Nam" - và fomat mới: Bên cạnh phần giới thiệu, còn có phiên trao đổi về sản phẩm với các cá nhân, tổ chức, báo chí, người sử dụng.

“Trong khuôn khổ Diễn đàn, các sản phẩm nền tảng sẽ không còn chỉ là để ra mắt, để xã hội biết mặt, biết tên, mà sẽ phải được phôi thai và sinh ra từ những nỗi đau của xã hội, mang sứ mệnh là giải các bài toán thách thức của xã hội” – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết.

Nền tảng chuyển đổi số ngành vận tải hành khách An Vui là đơn vị đầu tiên tham gia theo fomat này. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018, An Vui đang cung cấp nền tảng cho 150 hãng vận tải với khoảng 4.000 xe khách chạy đường dài trên toàn quốc. Startup này cung cấp 28 module để các hãng xây dựng các sản phẩm phục vụ nhu cầu của riêng mình như website, ứng dụng bán vé, quản lý trực tuyến hệ thống vận hành, hệ thống đón trả khách, phần mềm quản lý bán vé, báo cáo trực tuyến, hỗ trợ điều hành….

CEO An Vui Phan Bá Mạnh giới thiệu về sản phẩm. Nguồn: BTC
CEO An Vui Phan Bá Mạnh giới thiệu về sản phẩm. Nguồn: BTC

“Nếu như trước kia các nhà xe hay doanh nghiệp vận tải phải thuê rất nhiều nhân viên để đảm nhận từng khâu thì giờ đây có An Vui, họ tiết kiệm được 30% chi phí nhân lực, 60% chi phí giao tiếp và tăng 20% doanh thu bán vé” – ông Phan Bá Mạnh, CEO của An Vui, cho biết.

Toàn bộ các hệ thống bán vé của nhà xe sử dụng nền tảng An Vui đều liên thông theo thời gian thực. Nghĩa là, dù khách hàng mua vé của nhà xe trên bất kỳ nền tảng nào như website, ứng dụng của nhà xe hay trên các nền tảng bán vé trung gian như ZaloPay, ViettelPay... hay qua các đại lý, tài xế…., hệ thống quản lý vé sẽ đều cập nhật liên tục.

Bên cạnh đó, nền tảng của An Vui cũng giúp các nhà xe chăm sóc khách hàng tốt hơn như nhớ ngày sinh nhật, triển khai chương trình khuyến mãi cho khách hàng thân thiết….

CEO của An Vui nhấn mạnh mục tiêu của startup này: 'Khi Uber, Grab nhảy vào thị trường Việt Nam và chiếm phần lớn thị phần taxi công nghệ, tôi đã tự hỏi, vậy ai sẽ giúp các hãng xe vận tải đường dài? Với giá trị thị trường lên tới 5,8 tỷ USD, An Vui muốn giúp 21.000 doanh nghiệp vận tải chuyển đổi số".