Theo Sở KH&CN Lâm Đồng, kết quả sau hai năm nghiên cứu giám định di truyền cho thấy bò tót lai giữa bò tót và bò nhà tại vùng giáp ranh 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận có khả năng sinh trưởng tốt, kích thước to lớn, thời gian sinh trưởng kéo dài.

Trước đó, từ năm 2009-2014, có một cá thể bò tót đực tại Vườn Quốc gia Phước Bình thường xuyên tìm về sống chung và giao phối với đàn bò cái nhà của người dân địa phương. Các bò cái nhà sau đó đã sinh ra được khoảng 20 bê có hình thức khác biệt so với bê nhà thông thường.

Đây là trường hợp rất hiếm gặp, khó có thể lặp lại, bởi vậy từ năm 2013, hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận đã quyết định thực hiện đề tài nghiên cứu trên với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng.
Những con bò lai F1, được nuôi tại trang trại rộng hơn 2ha ở khu vực Vườn Quốc gia Phước Bình. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Những con bò lai F1, được nuôi tại trang trại rộng hơn 2ha ở khu vực Vườn Quốc gia Phước Bình. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Sau hơn 2 năm triển khai với sự hợp tác của Viện công nghệ sinh học Hà Nội và Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, kết quả phân tích, giám định nhiễm sắc thể, nguồn gen cho thấy các cá thể bò nghi lai chính là giống bò F1 được lai giữa bò tót và bò nhà. Giống bò này có khả năng sinh trưởng tốt, kích thước to lớn, thời gian sinh trưởng kéo dài.

Việc sử dụng bò lai F1 để tạo ra bò lai F2 và các thế hệ sau có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa nguồn gen quý từ động vật hoang dã vào vật nuôi để cải thiện năng suất, chất lượng, khả năng chống chọi với bệnh tật và đáp ứng với điều kiện chăn nuôi quảng canh.

Theo các nhà khoa học, hiện Sở Khoa học và Công nghệ 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận đang phối hợp tiếp tục nghiên cứu lai tạo giữa giống bò F1 với nhau và giữa giống bò F1 với thế hệ F2, F3 nhằm tạo ra giống bò có nguồn gen vượt trội, cho năng suất, chất lượng thịt cao; sử dụng tốt thức ăn thô trong điều kiện chăn nuôi kham khổ hơn so với bò nhà./.