Mạng 5G tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có.

Đây là nội dung được khẳng định tại buổi Tọa đàm chuyên đề “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông”, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì ngày 14/11.


Các chuyên gia tại thảo luận tại buổi toạ đàm. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh của đời sống và xã hội. Đây chính là cơ hội lịch sử, song cũng đầy thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như mỗi cá nhân, doanh nghiệp.

Ông Cao Đức Phát cho rằng, nếu như công nghệ thông tin được xem là hạ tầng của hạ tầng, thì mạng 5G chính là "xương sống" của kết nối hạ tầng ấy trong CMCN 4.0. Mạng 5G tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có, có thể giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối vạn vật.

Dưới góc độ cơ quan quản lý ngành, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, điều kiện tiên quyết là phải có tư duy chấp nhận cái mới, khi đó sẽ có công nghệ, sẽ có nhân lực, sẽ tạo ra được nền công nghiệp mới.

“Công nghệ 5G đang tới là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng, muốn thế phải đi đầu, chưa đi được cả nước thì phải đi đầu ở Hà Nội và TPHCM”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp phép thử nghiệm 5G từ năm 2019, đến 2020 khi thế giới bắt đầu triển khai 5G, Việt Nam cũng sẽ là nước đầu tiên triển khai 5G phát triển thương mại cùng thế giới.

Mạng 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội thay đổi thứ hạng viễn thông mà còn là cơ hội phát triển ngành công nghệ thông tin nước nhà. Thị trường viễn thông Việt Nam cũng cần những nhân tố mới để cạnh tranh và phát triển, để có đột phá mới.

Tuy mục tiêu là vậy, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, triển khai công nghệ 5G phức tạp hơn rất nhiều so với các thế hệ trước, đòi hỏi những nút thắt bền chặt không chỉ theo chiều ngang trong nội bộ ngành hạ tầng viễn thông, mà còn theo chiều dọc với các lĩnh vực khác từ thực tế ảo, thành phố thông tin hay xe tự động không người lái.

"Cần sớm nhận diện những nút thắt, những khó khăn, thách thức và những cơ hội, từ đó đưa ra những giải pháp để tạo sự đột phá trong đổi mới sáng tạo lĩnh vực viễn thông của Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, không chỉ trong lĩnh vực viễn thông, mà còn tạo ra tác động lan toả tới các lĩnh vực khác trong nền kinh tế”, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Nhấn mạnh vấn đề khởi nghiệp sáng tạo, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kỳ vọng vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, là những doanh nghiệp áp dụng công nghệ hoặc mô hình kinh doanh để đưa những sản phẩm tốt nhất, mới nhất ra thị trường.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không thể đứng vững khi đứng một mình. Việc xây dựng định hướng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên 5G cũng là một động lực quan trọng, góp phần phát triển phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Đại diện doanh nghiệp quốc tế, bà Susie Armstrong, Phó Chủ tịch cấp cao về công nghệ, Tập đoàn Qualcomm cho rằng, Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn trong việc triển khai 4G và hướng tới phát triển 5G.

Đồng thời, bà Susie Armstrong đề xuất Việt Nam cần có những chính sách phù hợp, thân thiện để triển khai nhanh, trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi đầu tiên triển khai hệ sinh thái 5G. “Qualcomm luôn nỗ lực đồng hành và hợp tác cùng các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển hệ sinh thái 5G nói riêng và hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước nói chung” bà Susie Armstrong khẳng định.

Đại diện Tập đoàn FPT, cho rằng việc có hạ tầng công nghệ số vững mạnh(mạng 5G) giúp sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho ngành kinh tế. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, khi có mạng 5G, Việt Nam có cơ hội chuyển từ mô hình sản xuất cũ sang mô hình mới với năng suất sản lượng vượt trội…

Lãnh đạo FPT dẫn chứng khi phối hợp về việc làm nông nghiệp tại Hoa Kỳ thường xuyên dùng “drone”, bay trên các cánh đồng thu thập hình ảnh dữ liệu cây trồng, để gửi về trung tâm xử lý. Tuy nhiên, do chỉ có hạ tầng 4G đôi khi ảnh hưởng đến việc tốc độ truyền dữ liệu, phải giảm độ phân giải, chất lượng hình ảnh.

Hay hiệu quả đến từ việc kết hợp mạng 5G với các công nghệ dữ liệu trực tuyến có thể giúp kết nối thông tin, giúp các máy móc triển khai thu hoạch một cách tự động hoàn toàn trên cánh đồng, nâng cao năng suất.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng thảo luận các vấn đề công nghệ thông tin - viễn thông và xây dựng phát triển hệ sinh thái thúc đẩy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, nhận định các cơ hội và thách thức tiềm năng và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, với quyết tâm trở thành một trung tâm công nghệ của khu vực, Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ về đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.