Nhờ áp dụng khoa học, nghề nuôi chim yến đã đem lại giá trị kinh tế lớn cho nhiều hộ gia đình khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, để phát triển nghề nuôi chim yến, cần có một quy hoạch tổng thể với sự liên kết giữa các nhà: nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học.

Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam” mà Công ty Yến sào Khánh Hòa đã thực hiện. Tính đến thời điểm tháng 5/2014 cả nước có khoảng 2.614 ngôi nhà yến và nhiều nhà yến đang xây dựng.

Chim yến nuôi trong nhà
Chim yến nuôi trong nhà

Mang lại hiệu quả kinh tế cao

Th.S Lê Hữu Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa chủ nhiệm đề tài cho biết: Qua kết quả điều tra khảo sát mới nhất, điều kiện khí hậu, thời tiết của Việt Nam rất lý tưởng cho việc phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà. Với sự giúp đỡ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 36 Tỉnh thành trên cả nước, chúng tôi đã tiến hành điều tra khảo sát tính tới tháng 5/2014, thống kê được khoảng 2.614 nhà yến. Trong đó Vùng Tây Nguyên có khoảng 25 ngôi nhà yến và một số nhà yến đang xây dựng.

Theo các nhà khoa học, thế kỷ XXI là thời điểm tốt nhất để phát triển nghề nuôi chim yến ở Việt Nam. Bởi lẽ, biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho nhiệt độ trái đất tăng cao; hiện tượng động đất và sóng thần tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia; cháy rừng, phá rừng lấy gỗ gây tác hại lớn đến môi trường sinh thái chim yến tại khu vực có quần thể chim yến nhiều nhất thế giới, làm cho đàn yến phía Nam di cư về phía Bắc. Quần thể chim yến ở Việt Nam ngày càng tăng nhanh do thành công trong ấp nở nhân tạo để tạo nguồn giống. Việc phát triển nhanh quần thể, bí quyết kỹ thuật di đàn, nhân đàn chim yến là yếu tố quan trọng để phát triển nghề nuôi chim yến.

Hiện tại, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã làm chủ công nghệ ấp nở và nuôi nhân tạo chim yến con qua từng giai đoạn phát triển. Kết quả tỷ lệ ấp đạt trên 90%, tỷ lệ nuôi chim con trưởng thành đạt trên 80%. Thành công trong ấp nở nhân tạo đã góp phần phát triển mạnh mẽ quần thể, nguồn giống chim yến nhà. Đến nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã nhân nuôi thành công trong toàn tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh trên toàn quốc. Từ đây, đã mở ra triển vọng to lớn cho phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong cả nước.

Tuy nhiên, Nghề nuôi yến trong nhà vẫn còn mang tính tự phát nên hiệu quả đem lại chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu các kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim yến đảm bảo thành công và đạt hiệu quả cao trong điều kiện nuôi trong nhà ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức, việc quy hoạch các vùng nuôi chim yến chưa được các địa phương quan tâm thực hiện. Việc nghiên cứu các kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim yến đảm bảo thành công và đạt hiệu quả cao trong điều kiện nuôi trong nhà ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức, việc quy hoạch các vùng nuôi chim yến chưa được thực hiện.

Nhóm thực hiện đề tài đã tập trung nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm sinh học, sinh sản chim yến; đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật xây dựng nhà yến, nghiên cứu thiết kế mô hình nhà yến, cải tiến vật liệu, nghiên cứu các dung dịch, hợp chất, thiết bị dùng trong xây dựng và lắp đặt nhà yến, hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến tự động hoàn toàn. Nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu kỹ thuật nuôi chim con và phát triển quần thể đàn chim yến; xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà. Kết quả sau nghiên cứu cho thấy, số lượng chim đã tăng lên đáng kể và ổn định. Các chỉ tiêu đạt cao như: tỷ lệ trứng ấp nở thành chim con đạt hơn 90%; tỷ lệ sống của chim con đạt 70% và tỷ lệ chim trưởng thành bay về tổ đạt hơn 35%...

Trong phạm vi đề tài, nhóm nghiên cứu đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật, bí quyết công nghệ trên 4 mô hình: 1 mô hình ở thành phố với 2.000 con đã làm tổ với hơn 1.000 tổ yến; 3 mô hình ở nông thôn với số lượng ổn định 250 con đã làm tổ với hơn 50 tổ/mô hình. Nhóm thực hiện đề tài cũng đã nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm như: tổ yến mô phỏng, dung dịch tạo mùi bầy đàn chim yến, giá tổ, bộ âm thanh dẫn dụ chim yến... Các mô hình nghiên cứu có thể chuyển giao ngay, mở ra triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong cả nước.

Cần có Quy hoạch phát triển nghề nuôi chim yến

Th.S Lê Hữu Hoàng kiến nghị, để phát triển ngành nghề nuôi chim yến cần có quy hoạch chi tiết các tiểu vùng địa phương thuộc các xã, phường thuộc các quận, huyện có điều kiện phát triển ngành này. Công tác khảo sát quy hoạch ngành nghề nuôi chim yến tại các địa phương phải được tiến hành do UBND tỉnh chỉ đạo các ngành thực hiện đồng bộ vì lợi ích chung của địa phương và cộng đồng xã hội. Công tác khảo sát quy hoạch vùng các địa phương cấp sơ sở thực hiện đồng bộ và phải đảm bảo khẩn trương hoàn thành trong năm 2015. Vì sự phát triển bền vững của ngành nghề nên chính sách quy hoạch phải đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ được sự hỗ trợ từ các ngành, các cấp.

Các kỹ thuật viên mớm thức ăn cho chim yến con

Bên cạnh đó là đồng bộ các giải pháp về chính sách như: quy hoạch phát triển nuôi chim yến; khuyến khích đầu tư phát triển nuôi chim yến; chuyển đổi đất nông nghiệp sử dụng nuôi chim yến; quản lý nhà nước về nuôi chim yến; đào tạo cán bộ kỹ thuật quản lý chuyên ngành nuôi chim yến…

Tuy nhiên, Th.S Lê Hữu Hoàng vẫn nhấn mạnh, giải pháp về khoa học công nghệ có vai trò hết sức quan trọng. Đó là các giải pháp: Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học chuyên ngành về chim yến, tập trung nghiên cứu cấu trúc quần thể chim yến của các địa phương, nghiên cứu thiết bị công nghệ sử dụng trong nhà yến, phòng trừ dịch bệnh, phòng trách địch hại chim yến, công nghệ tạo nguồn thức ăn, công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ tổ yến. Có dự báo thường xuyên và cập nhật số lượng quần thể, số lượng nhà yến, sản lượng tổ yến, nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm yến sào, để hướng dẫn người dân phát triển nuôi chim yến mang lại hiệu quả.

Thực hiện phương pháp nuôi chim yến 3 trong 1: Phương pháp ấp nở và nuôi nhân tạo chim yến chủ động nguồn giống; Phương pháp nhân đàn di đàn chim yến; Phương pháp dẫn dụ chim yến từ tự nhiên.

Song song với đó là việc chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật nuôi chim yến cho nông dân. Thực hiện các khóa huấn luyện, đào tạo, kinh nghiệm nuôi cho người dân. Ứng dụng công nghệ thông tin và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thực hiện một cách hệ thống, thường xuyên chương trình giảng dạy về phương pháp nuôi chim yến. Xây dựng cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim yến, quy trình vệ sinh, khử trùng, phòng dịch tại các cơ sở nuôi chim yến.

Một yếu tố cũng không thể xem nhẹ là sự liên kết phát triển giữa các nhà: nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học vì sự nghiệp phát triển của nghề nuôi chim yến. Nhà nước ban hành chính sách phát huy sự liên kết 4 nhà nhằm phát huy thế mạnh liên kết quan trọng làm tiền đề thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả ngành nghề nuôi chim yến.

Hiện nay, nghề nuôi chim yến ở Vùng Tây Nguyên đang phát triển một cách tự phát chưa có định hướng, địa phương chưa có quy hoạch cụ thể do đó có thể dẫn tới rủi ro cho người dân và ảnh hưởng đến qui hoạch phát triển kinh tế và đô thị. Vì vậy, việc phát triển ngành nghề nuôi chim yến của các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện trên cơ sở quy hoạch chặt chẽ, tránh các hiện tượng xây dựng nhà yến theo lối tự phát, không tuân thủ quy hoạch có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành nghề chung và lợi ích của mỗi thành viên.

Phát triển nghề nuôi chim yến phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương, góp phần phát triển kinh tế, tạo công việc làm, đời sống vật chất của cư dân nông thôn được nâng cao phù hợp với đặc trưng cơ bản của chương trình xây dựng nông thôn mới tại Tây Nguyên. Chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp tại các vùng có năng suất sản xuất thấp nhưng có điều kiện môi trường phù hợp nuôi chim yến.

Phát triển quần thể chim yến có ý nghĩa to lớn về mặt bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển đàn chim yến là động vật hoang dã quý hiếm có lợi cho đời sống con người. Ngoài ra, nguồn thức ăn của chim yến là côn trùng trong thiên nhiên sẽ bảo vệ mùa màng của nông dân. Phát triển ngành nghề nuôi chim yến tại Tây Nguyên theo định hướng phát triển bền vững, ngành nghề đồng hành cùng sự phát triển xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Th.S Lê Hữu Hoàng bày tỏ nguyện vọng: Công ty Yến sào Khánh Hòa dẫn đầu cả nước về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật chuyên ngành yến sào, là đơn vị truyền thống có bề dày kinh nghiệm, đã ứng dụng thành công khoa học trong công tác quản lý, khai thác và phát triển quần thể chim yến. Công ty mong muốn là đơn vị thực hiện công tác tư vấn chuyển giao công nghệ, quy hoạch nuôi chim yến, phát triển thành một nghề mới đem lại công ăn việc làm cho người dân và tăng thu nhập, nộp ngân sách cho cả địa phương và vùng Tây Nguyên.