Cực quang là màn trình diễn ánh sáng đầy màu sắc trên bầu trời đêm, thường xuất hiện tại các vùng cực trên Trái đất. Tuy nhiên, Trái đất không phải là hành tinh duy nhất có cực quang. Nó cũng được tìm thấy trên các hành tinh khí khổng lồ như sao Mộc, sao Thổ.

Nguồn: Đại học Colorado

Gần đây tàu vũ trụ MAVEN của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện một loại cực quang khác xảy ra ở phía ban ngày của sao Hỏa.

Thông thường, cực quang hình thành khi electron mang năng lượng cao tương tác với các loại khí trong khí quyển, nhưng trường hợp trên hành tinh đỏ thì lại là do proton. Mặt trời thường xuyên bắn vào không gian các proton với vận tốc lên tới 3 triệu km/h trong một dòng chảy gọi là gió Mặt trời. Chúng vốn là những nguyên tử hydro bị tước bỏ electron bởi nhiệt độ quá cao của Mặt trời. Các hạt proton bay đến sao Hỏa, tương tác với bầu khí quyển của hành tinh này và gây ra cực quang, giống như cách mà electron đã làm với Trái đất.