Trong một chuyến điều tra thực vật tại Quảng Ngãi, các nhà khoa học Việt Nam và Pháp đã phát hiện quần thể nhỏ của một loài thực vật chưa được biết đến thuộc họ Ráy (Arecaceae) tại núi Dầu (núi Lớn), huyện Nghĩa Hành.
Theo tin từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), đây là phát hiện của TS Lý Ngọc Sâm - Viện Sinh học nhiệt đới, VAST và TS Thomas Haevermans - Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp (MNHN) trong chuyến điều tra thực vật vào tháng 12/2010 tại Quảng Ngãi. Giữa năm 2015, các mẫu tiêu bản có hoa và quả của loài này được thu thập lại tại núi Dầu.
Kết quả nghiên cứu các mẫu tiêu bản trong các bộ sưu tập mẫu vật hiện có của Viện Sinh học nhiệt đới, Bảo tàng MNHN và các tài liệu chuyên ngành liên quan đến họ Ráy cho thấy, các mẫu thu thập được ở Quảng Ngãi là một loài thuộc họ Ráy, chưa được mô tả, có thể là một chi thực vật mới, nhưng cần nghiên cứu kiểm tra.
TS Lý Ngọc Sâm đã chuyển bảng mô tả hoàn chỉnh các đặc điểm hình thái và giải phẫu của thân, lá, bông và quả cùng các mẫu mô lá (mẫu DNA) thu từ núi Dầu đến các chuyên gia về họ Ráy ở Đại học Muchen Ludwig-Maxilians, Đức và Đại học Malaysia Sarawak để phối hợp nghiên cứu và phân tích sinh học phân tử. Kết quả phân tích đã xác định các mẫu thu thập là một chi thực vật hoàn toàn mới chưa từng được công bố, có quan hệ gần gũi với chi Ráy (Alocasia) trong nhánh Alocasia - Colocasia. Chi thực vật này được các nhà nghiên cứu đặt tên là chi Ráy việt: Vietnamocasia N.S.Lý, S.Y.Wong & P.C.Boyce, gen. nov.
Chi thực vật mới này hiện chỉ có một loài và Ráy việt núi dầu, Vietnamocasia dauea N.S.Lý, S. Y. Wong, T.Haevermans & D.V.Nguyen, sp. nov., là mẫu chuẩn cho chi Ráy việt Vietnamocasia. Chi và loài ráy mới công bố trên tạp chí chuyên ngành Phytotaxa tháng 4/2017.
Ráy Việt núi Dầu là loài cây thân thảo trung sinh, cao đến 80 cm; thân không phân nhánh, màu xanh, dài 35–50 cm, đường kính 2–3,5 cm, phân lóng rõ ràng; lúc đầu mọc thẳng, sau trườn trên mặt đất. Lá vảy màu xanh nhạt, dài cỡ 4.5–8.8 cm, rụng sớm; cuống lá yếu, màu xanh. Phiến lá hình khiên, dạng elíp hay elíp-tròn dài, dày như da, mặt trên xanh đậm, bóng, mặt dưới xanh, không phấn, mép lá nguyên, mũi nhọn rộng; phiến trước cuống mang 5–6 gân bên gần đối diện ở mỗi phía, cong lên. Các tai sau gốc lá nối liền nhau tạo thành một mũi cạn hình chữ V.
Bông mo mọc ở nách lá, đơn độc hay 2–3 bông, có 1 lá vảy bao ngoài. Mo dài 12–12,5 cm, hơi thắt lại giữa ống mo và phiến; ống mo hình trụ hay hình trứng, xanh mặt ngoài, xanh nhạt mặt trong. Phiến mo dạng hình mác thuôn dài, cỡ 8–13 × 3,3–3,8 cm, xanh nhạt mặt ngoài, trắng mặt trong, nhẵn và bóng hai mặt, mũi nhọn ở đỉnh, rụng sớm.
Bông nạc ngắn hơn phiến mo, dài cỡ 7–8.7 cm, trên cuốn màu trắng ngắn hơn 1 cm; phần cái hình trụ, các hoa cái xếp rời rạc; bầu gần hình cầu, trắng ngà. Phần hoa trung tính gần hình trụ, phía đầu hẹp dần ở nơi thắt lại của mo, các hoa trung tính xếp 5–6 vòng, thường hình thoi 6 cạnh, vàng kem đến trắng, đỉnh phẳng. Phần đực hình trụ, hoa đực có 2–3 nhị hoa rời, màu trắng kem; phần phụ gần hình trụ, đỉnh cùn, màu vàng-kem, có nhiều vân nổi chạy dọc dạng não.
Mo quả hình trứng tam giác hẹp, cỡ 6–7,2 × 2,3–2,7 cm, xanh đậm mặt ngoài, hơi trắng mặt trong; quả hình cầu, có 4 cạnh mờ ở đỉnh, màu trắng kem lúc non, thường một hạt.
Hiện chỉ phát hiện một số lượng rất ít các quần thể nhỏ của 2–8 cá thể Ráy Việt núi Dầu, Vietnamocasia dauea, mọc phân tán dưới tán rừng ẩm thứ sinh cây lá rộng ưu thế cây họ dầu, tại núi Dầu, huyện Nghĩa Hành, và rừng nguyên sinh thuộc vùng núi Cà Đam, huyện Tây Trà và Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, cao độ từ 150 – 790 m so với mực nước biển.
Ráy Việt núi Dầu ra hoa vào tháng 5 và quả được ghi nhận đến giữa tháng 9. Đây là chi và loài đặc hữu hẹp cho hệ thực vật Việt Nam. Loài này đang nguy cấp vì môi trường sống bị thu hẹp và xáo trộn do mất rừng. Do đó, theo các nhà khoa học, việc nghiên cứu nhân giống bảo tồn loài này là cần thiết. Kiểu cây nhỏ, hình dạng lá và hoa đẹp nên cây này rất phù hợp cho việc nhân giống làm cảnh.