Thực phẩm phải làm rõ sản xuất, nguyên liệu đầu vào từ đâu… không thể để tình trạng thực phẩm ra khỏi địa phương là không biết nơi nào sản xuất.

Đó là vấn đề “nóng” được đặt ra tại Hội nghị giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016” các tỉnh phía Nam vừa diễn ra ngày 6/3 tại TPHCM.

Hội nghị do Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Cùng dự có ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu đề dẫn, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, an toàn thực phẩm là vấn đề được người dân rất quan tâm và được Quốc hội lựa chọn là giám sát chuyên đề tối cao đầu tiên của khóa XIV. Đoàn đã đi giám sát tại 19/21 tỉnh, thành phố lựa chọn, làm việc với các bộ, ngành liên quan và nghe Chính phủ báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Điểm nổi cộm là vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Rất ít sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, trong đó truy tới tận cùng trang trại sản xuất, lô sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, nếu không kiểm tra được nguồn gốc xuất xứ thì chúng ta sẽ “mất kiểm soát” thị trường. “Cần phải thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, bởi nếu không truy xuất được thì công tác hậu kiểm sẽ không giải quyết được vấn đề cũng như không xử phạt, xử lý tận gốc được”.

Tham luận trình bày tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm trong đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó đáng chú ý là kiến nghị minh bạch hóa ghi nhãn sản phẩm, tiêu chí đầu tiên để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn TH true MILK, để có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm thì phải rõ được xuất xứ nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên do sự thiếu minh bạch trong quy định về tiêu chuẩn nên việc truy xuất khó thực hiện.


Ông Trương Quốc Cường phát biểu tại Hội nghị

Ông lấy ví dụ cụ thể trong ngành sữa, chính là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT), trong đó khái niệm sữa tiệt trùng dùng để chỉ các sản phẩm sữa dạng lỏng chế biến từ sữa bột; hoặc sữa bột cộng với một phần sữa tươi là khái niệm chưa chính xác, Sữa tiệt trùng chỉ phản ánh được phương pháp xử lý nhiệt trong công nghệ chế biến, không phản ánh được xuất xứ nguyên liệu đầu vào (là yếu tố cơ bản tạo ra sản phẩm).

Trong hội nghị giám sát chuyên đề về vấn đề này tháng 7/2015, Ủy ban KHCNMT đã yêu cầu Bộ Y tế phải sửa đổi tên gọi sữa tiệt trùng thành sữa hoàn nguyên hoặc sữa pha lại theo thông lệ chung của quốc tế. Trước đó, tháng 4/2015, Bộ Y tế ra thông báo sửa đổi Quy chuẩn và chính thức lấy ý kiến đóng góp dự thảo trên website của ngành. Tuy nhiên, tới nay quy định này vẫn chưa được sửa đổi.

Việc tên gọi không rõ ràng đã gây nhiều hệ lụy, trong đó nổi cộm là gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng (uống sữa bột pha lại tưởng sữa tươi), gây bất lợi cho người chăn nuôi bò sữa; Lãng phí ngoại tệ để nhập sữa bột. Việt Nam dù là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm chúng ta phải chi tương đương hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu sữa bột về pha lại (không kể lượng sữa bột công thức trẻ em), dẫn tới nhập siêu rất lớn. Ngoài ra, khi nhập khẩu, thị trường sữa trong nước sẽ bị tác động của những biến động bất lợi từ thị trường quốc tế.

Tiếp nhận kiến nghị này của doanh nghiệp, ông Trương Quốc Cường cho biết ông đã đọc kỹ. Những kiến nghị của TH cho thấy sự nghiêm trọng của việc thiếu minh bạch.

“Đến một ngày nào đó, chúng ta bán cổ phần các doanh nghiệp sữa của Nhà nước, không chi phối nữa. Lúc đó, các đại gia chi phối có còn mua sữa của bà con hay không hay mua sữa của Thái Lan hay tập trung mua sữa bột nhập khẩu? Các đại gia cũng có thể liên kết, sáp nhập không mua sữa của nông dân nữa. Lúc đó không có lợi cho ngành sữa và cả bà con nông dân. Đại gia bắt tay nhau chi phối thị trường thì khổ người dân. Minh bạch rõ ra thì ngành sữa được hưởng lợi và người dân cũng được hưởng lợi”- ông Cường nói.

Trong tuần tới ông sẽ làm việc với các bên để giải quyết vấn đề này, đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành Y tế.