Trao đổi với phóng viên Báo Khoa học và Phát triển về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bà Meirav Eilon Shahar - Đại sứ Israel - cho rằng, điểm đặc biệt của nền nông nghiệp nước này là vấn đề nghiên cứu và phát triển (R&D) rất được coi trọng, kể cả nông dân.

Bà Meirav Eilon Shahar - Đại sứ Israel tại Việt Nam. Ảnh: Huy Ba
Bà Meirav Eilon Shahar - Đại sứ Israel tại Việt Nam. Ảnh: Huy Ba

Xin bà cho biết những thành tựu nổi bật của nông nghiệp Israel? Điều gì có thể coi là động lực cho sự phát triển ấn tượng này?

Tôi cho rằng, thành tựu lớn nhất của nông nghiệp Israel là khả năng sản xuất nhiều sản phẩm nhất với lượng tiêu tốn ít nhất (về tài nguyên thiên nhiên, đất đai, nước). Các sản phẩm được tạo ra với chất lượng cao trong khi tốn ít nguồn nhân lực. Chúng tôi tự hào rằng gần 3% dân số làm nông nghiệp vẫn cung cấp đủ thực phẩm cho nhu cầu trong nước và thậm chí xuất khẩu. Chúng tôi tự hào vì tuy nằm trong khu vực ít mưa, Israel không phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Người Israel có thể tự tạo ra nước sạch bằng cách khử nước mặn và tái sử dụng tới 80% lượng nước đã dùng cho nông nghiệp.

Đâu là những chính sách giúp nông nghiệp Israel phát triển như hiện tại, thưa bà?

Chúng tôi có những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp rất rõ ràng, đó là các quỹ của chính phủ, của chính quyền địa phương đầu tư cho R&D. Do điều kiện tự nhiên ở mỗi vùng khác nhau nên tại mỗi nơi này chúng tôi đều có trung tâm R&D và hệ thống hỗ trợ R&D riêng biệt. Một điều đặc biệt nữa là nông dân Israel đều ý thức được tầm quan trọng của R&D và tự nguyện đầu tư thường xuyên.

Gần đây có phái đoàn của Israel sang thăm Việt Nam để tìm đối tác trong nông nghiệp công nghệ cao. Theo bà, lĩnh vực nào sẽ là ưu tiên hợp tác giữa hai bên?

Những năm gần đây đã có nhiều đoàn hợp tác của Israel tới thăm, làm việc tại Việt Nam và ngược lại. Sản lượng nông nghiệp của các bạn đang ngày một tăng, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc các bạn đang sử dụng rất nhiều tài nguyên thiên nhiên. Tôi tin chắc Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được rằng muốn tăng chất lượng nông sản thì cần nâng cao công nghệ và đang cố gắng thay đổi việc tìm kiếm công nghệ thay thế trong nông nghiệp.

Có rất nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có thể hợp tác cùng Israel, chẳng hạn như nuôi thuỷ sản, trồng rau, thực phẩm sạch công nghệ cao. Trên cấp độ nhà nước, chúng ta đã trao đổi những chương trình đào tạo nông nghiệp và dịch vụ cần thiết trong lĩnh vực hải sản.

Tại Bình Chánh, chúng tôi cùng Chính phủ Việt Nam đã lập ra một trang trại thực nghiệm bò sữa - nơi ứng dụng công nghệ Know-how với mục tiêu là nâng năng suất sữa lên 8.000kg/con mỗi năm, giảm chi phí sản xuất; tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ và nhân rộng ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi, sản xuất thức ăn; ứng dụng đồng bộ các kỹ thuật hiện đại về quản lý, dinh dưỡng, thú y... của Israel trong nuôi bò sữa cao sản.

Trên cấp độ doanh nghiệp, các đối tác Việt Nam và Israel đã tích cực tìm đến nhau. Ví dụ điển hình là sự kết hợp giữa các tập đoàn TH True Milk, Vingroup với đối tác Israel để tạo ra các sản phẩm sữa và rau sạch.

Ngoài ra theo tôi, chúng ta có thể hợp tác trong lĩnh vực công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Các phương thức bảo quản của Việt Nam cần được nâng cấp nếu muốn đưa sản phẩm nông nghiệp của mình vượt ra khỏi ranh giới quốc gia và những vùng lân cận.

Bà đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam?

Quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam đã được khởi động. Đây là yêu cầu cấp thiết nhưng không dễ thực hiện, bởi công nghệ thường rất đắt đỏ trong khi nông dân chưa nhận thấy lợi ích của mình. Tuy nhiên, cần giúp họ hiểu việc áp dụng công nghệ nếu tính trong thời gian ngắn có thể đắt, nhưng về lâu dài sẽ mang lại lợi ích rất nhiều. Một vấn đề nữa là ở Việt Nam còn ít mô hình trang trại quy mô lớn, điều này sẽ gây khó khăn cho việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất.

Bà đánh giá thế nào xu thế đại gia công nghệ làm nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam hiện nay?

Tôi nghĩ đây là một trào lưu rất đáng hưởng ứng. Nhu cầu về nông sản sạch của người dân đang ngày một bức thiết.

Với sự tham gia của các đại gia công nghệ, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm an toàn. Đây cũng là cách để nâng giá trị nông sản, đóng góp nhiều hơn vào GDP.

Xin cảm ơn bà!

Một số thành tựu nông nghiệp của Israel

Công ty Israel Bio-Bee Biological Systems sử dụng các loại côn trùng như ong vò vẽ, ruồi giấm để thúc đẩy sự thụ phấn chéo và kiểm soát sâu bệnh một cách thân thiện với môi trường.
Israel đã thí nghiệm thành công giống cá rô phi lai phát triển mạnh trên vùng biển mặn nóng; áp dụng ao nuôi cá trên sa mạc Negev, nông dân đạt sản lượng cá nhiều hơn 10 lần so với cách nuôi trong ao truyền thống.

Israel xử lý 92% số lượng nước thải và tái sử dụng 75% số đó trong nông nghiệp - đây là tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Thông qua việc sử dụng kỹ thuật tưới mới, các trang trại đã tăng hiệu quả sử dụng nước từ 64% lên 90% so với phương pháp tưới rãnh truyền thống.

Tổ chức JNF đã khởi động 6 dự án tiết kiệm nước, trong đó tận dụng các vùng đất ngập nước tự nhiên để làm sạch nước thải mà không cần hóa chất hay các nguồn năng lượng khác.