80% số doanh thu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hiện nay đến từ nông nghiệp, trong đó lợi nhuận lớn nhất do đàn bò đem lại. Điều này lý giải việc chuyển hướng làm nông của “bầu” Đức, tỷ phú Phạm Nhật Vượng… và nhiều đại gia khác - tất nhiên là nông nghiệp công nghệ cao.


a
Ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò ở xưởng của TH.

Khi các tỷ phú đua nhau nuôi bò, trồng rau

Đang là “ông trùm” có tiếng trong ngành bất động sản, “bầu” Đức - tức ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - quay sang nuôi bò, trồng bắp, cọ và mía. Khi thị trường bất động sản chững lại, HAGL chuyển hướng đầu tư và nông nghiệp công nghệ cao là lựa chọn đầu tiên.

Theo ông Đức, làm nông nghiệp truyền thống nhiều rủi ro mà không dễ thu lợi nhuận khi giá trị sản phẩm thấp. Chỉ có làm nông nghiệp công nghệ cao, đưa công nghệ, điều kiện cơ giới hóa vào thì mới cải thiện được tình hình. Bởi vậy, từ cuối năm 2013, ông Đức đã mời các nhà khoa học nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu công nghệ và trồng thử nghiệm cây bắp. Sau đó, ông Đức quyết định trồng mở rộng trên 5.000 hécta ở Lào và Campuchia, áp dụng tối đa các loại máy móc và công nghệ hiện đại trong quá trình chăm sóc, vun tưới. Nhờ đó, sản lượng bắp đạt 14 tấn/hécta, gần bằng Israel - quốc gia có nền nông nghiệp phát triển bậc nhất thế giới.

Tiếp sau cây bắp, HAGL còn phát triển đàn bò thịt với số lượng 60.000 con. Ông Đức tính toán: “Năm 2015, HAGL đặt mục tiêu doanh thu thuần 5.347 tỷ đồng, trong đó đàn bò chiếm 2.475 tỷ. Lợi nhuận gộp từ đàn bò lớn hơn các ngành nghề khác và chiếm 42% trong cơ cấu lợi nhuận của tập đoàn. Hiện 80% số doanh thu của tập đoàn là từ nông nghiệp”.

Cũng nuôi bò, nhưng Tập đoàn TH True Milk lại tìm đến học hỏi ở những người thầy giỏi nhất thế giới về chăn nuôi bò sữa và chế biến dược liệu, đó là đất nước Israel. Bà Thái Hương - Chủ tịch tập đoàn - cho biết, doanh nghiệp này chọn đầu tư vào 2 ngành hàng nông nghiệp mũi nhọn là nuôi bò, chế biến sữa và trồng, chế biến dược liệu. Kết quả thu được tốt hơn cả sự mong đợi, điển hình là dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại tỉnh Nghệ An”.

Theo chia sẻ của bà Thái Hương, dự án được áp dụng khoa học, công nghệ cao một cách triệt để và đúng quy trình - từ khâu chọn giống, trồng cỏ, chế biến thức ăn, nuôi bò, chăm sóc thú y, phòng, chống bệnh dịch đến vắt sữa, chế biến sữa và tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, đàn bò phát triển rất tốt. Các thế hệ bò sữa và bê con đều khỏe mạnh, thích ứng cao với điều kiện khí hậu Nghệ An. Năng suất cho sữa rất cao, trung bình 30-35 lít/con mỗi ngày - đặc biệt có con cho đến hơn 40-50 lít, vượt xa các phương pháp nuôi thông thường. Đây cũng là đàn bò có sản lượng sữa cao nhất Việt Nam hiện nay - tương đương với các nước có ngành chăn nuôi bò sữa phát triển như Úc, Hà Lan…

Còn Tập đoàn Vingroup chọn sản xuất rau sạch công nghệ cao theo hướng tập trung. Vingroup lập Công ty VinEco vào tháng 4/2015, xây dựng dự án nhà kính đầu tiên tại Vĩnh Phúc, sử dụng công nghệ của Teshuva Agricultural Projects (TAP, Israel). Theo tiết lộ của doanh nghiệp, tất cả các loại rau - củ - quả được lựa chọn đưa vào gieo trồng trên các nông trường của VinEco tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đông Triều (Quảng Ninh), Củ Chi (TPHCM), Long Thành (Đồng Nai) và Lạc Dương (Đà Lạt) đều sử dụng công nghệ cơ giới hóa và tự động hóa trên cánh đồng lớn của Nhật Bản, Israel.

VinEco cũng sẽ đầu tư công nghệ sản xuất rau mầm microgreen trong nhà kính theo dây chuyền tự động khép kín, cho phép sản xuất các loại rau sạch có giá trị dinh dưỡng cao. Công nghệ màng mỏng dinh dưỡng (NFT) giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt nhất, đảm bảo sản phẩm rau có chất lượng cao nhất cũng sẽ được ứng dụng.

“Phương pháp sản xuất trong nhà kính với hệ thống tưới tiêu - dinh dưỡng thông minh cùng hệ thống điều khiển khí hậu hợp lý được tự động hóa sẽ giúp VinEco kiểm soát toàn bộ các yếu tố tác động tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng” - đại diện VinEco cho biết.

Khoa học đóng vai trò then chốt

Khác với nghề nông truyền thống, ở ngành nông nghiệp công nghệ cao, yếu tố khoa học sẽ đóng vai trò then chốt và theo trọn dòng đời sản phẩm. Ở Israel, nông nghiệp là lĩnh vực mà phần tham gia của khoa học chiếm 95% và chỉ 5% thuộc về lao động.

Khẳng định điều này, PGS-TS Lê Tất Khương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ - nói: “Trong nông nghiệp công nghệ cao, yếu tố khoa học quyết định gần như chủ yếu vì có thể dùng công nghệ cao để thay đổi toàn bộ môi trường”. Để được như vậy, kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng và công nghệ phải rất lớn. Không khó hiểu khi hiện nay mới chỉ các đại gia dám đầu tư vào lĩnh vực này. Theo TS Lê Tất Khương, thực ra nông dân hay doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể đầu tư tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao nhưng với họ, việc giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao là vấn đề khó giải quyết.

“Sản phẩm công nghệ cao có đối tượng mua thu hẹp, việc tiêu thụ là cả một vấn đề vì nông dân không có điều kiện mua. Thường thì các doanh nghiệp đang làm theo chuỗi, từ khâu sản xuất, cung ứng ra thị trường và chế biến sản phẩm. Phải là các doanh nghiệp lớn, các đại gia mới đủ sức thực hiện” - TS Lê Tất Khương lý giải.

TS Khương cũng cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhờ Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng tư vấn xây dựng quy trình, nhà kính, nhà lưới và kết nối với những nơi có công nghệ cao. Với thực tế nông nghiệp công nghệ cao đang nhận được sự quan tâm lớn của giới doanh nhân, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều công nghệ tiên tiến, chắc chắn xu thế này sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.