Chưa học hết lớp 6 nhưng với đam mê chế tạo, ông Phạm Thanh Liêm (40 tuổi, ngụ ấp 3, xã Láng Biển, H.Tháp Mười, Đồng Tháp) đã cho ra đời nhiều máy móc nông nghiệp, không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu.


Sống ở vùng xa nhưng tên tuổi ông Liêm giờ nổi khắp trong và ngoài nước. Từ nông dân chân lấm tay bùn, ông rời ruộng đồng mở cơ sở cơ khí Thanh Liêm chuyên sản xuất thiết bị máy móc bán trong nước và xuất khẩu.

Người dân xứ Láng Biển đều rõ chuyện ông Liêm suýt trở thành kẻ bần cùng vì "cái tội" dám học đòi làm kỹ sư. Đó là năm 2005, đang sống khỏe với nghề nông, đột ngột anh nông dân chân đất lầm lũi tự nghiên cứu máy sạ hàng, vì “xứ mình sống bằng nghề nông mà sao nông dân lại cực khổ khi dùng sức người kéo cái máy đi sạ hàng lúa giống”. Tuy nhiên, ông Liêm bị nghi ngờ vì máy sạ hàng như ông mơ ước cho nông dân ngồi trên đó lái như máy cày “dễ làm thì mấy kỹ sư đã làm từ lâu”.
Ông Liêm với thiết bị máy sạ hàng độc chiêu - Ảnh: T.D
Ông Liêm với thiết bị máy sạ hàng độc chiêu - Ảnh: T.D

Nhưng sự đam mê cùng niềm tin mãnh liệt vào bản thân đã giúp ông Liêm chiến thắng tất cả. Ông tự mày mò vẽ kiểu, chế máy theo trí tưởng tượng rồi cứ thế quần quật, lọ mọ làm. Tất nhiên, thất bại nối liền thất bại. Thiết bị sạ hàng trong những ngày đầu chạy phá mặt ruộng làm hư đất, sạ hạt lúa không đều, máy chỉ chạy thẳng, muốn điều khiển bẻ cua hay quẹo rất khó… Lúc này, ông Liêm nợ như "chúa chổm", người quen thấy mặt ông đã vội tránh né vì sợ hỏi mượn tiền. Dù vậy, ông Liêm không nản lòng, tiếp tục chỉnh sửa. Năm 2008, kết quả ngoài mong đợi, chiếc máy sạ hàng đã “chịu phép” khi chạy cời cời trên ruộng, không phá mặt đất, hạt lúa sạ đều mà không bị ảnh hưởng, muốn quẹo trái hay phải rất dễ dàng. Ông tâm đắc vì sản phẩm của mình có đủ các công năng như: hoạt động tốt trên mọi địa hình cánh đồng, lượng lúa sạ tiết kiệm 10 kg/1.300 m2 (sạ tay 30 kg/1.300 m2), lắp ráp và bảo trì đơn giản…

Năm 2009, ông Liêm bắt đầu sản xuất thiết bị máy sạ hàng bán ra thị trường. Từ thành công với chiếc máy này, ông tự tin nghiên cứu, cải tạo lại các máy gặt đập liên hợp thành sản phẩm mang dấu ấn Thanh Liêm.

Sự kiện trong đời mà ông nhớ nhất, đó là trong năm 2009, từ giới thiệu của GS-TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, ông đã chế và xuất qua Mozambique (châu Phi) 15 thiết bị sạ hàng, máy gặt đập liên hợp, máy kéo. Chính lô hàng xuất khẩu đầu tiên có uy tín này đã giúp ông vững bước trên thị trường quốc tế. Người dân các nước Campuchia, Thái Lan, Lào nghe tiếng máy sạ hàng đã đến tìm hiểu, đặt hàng. Mỗi năm, ông Liêm cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước hơn 100 máy sạ hàng kết hợp phun thuốc trừ sâu với giá 60 triệu đồng/máy.

Bây giờ, người dân Láng Biển nói “xứ này ông Liêm không là tỉ phú thì còn ai đây”. Còn ông Liêm tâm sự, việc chế máy sạ hàng không phải liều mạng làm lấy tiếng, mà vì đam mê và muốn người nông dân dần thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn.