Dứa Đồng Giao là loại cây ăn quả đầu tiên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Ninh Bình.

Mới đây, sản phẩm dứa Đồng Giao ở Ninh Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00074 theo quyết định số 2588/QĐ-SHTT. Dứa Đồng Giao là sản phẩm thứ hai ở Ninh Bình được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sau sản phẩm thịt dê, và là loại cây ăn quả đầu tiên ở đây được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ủy ban Nhân dân thành phố Tam Điệp là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.


Người dân xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp thu hoạch dứa. Nguồn: TTXVN

Hoạt động xây dựng chỉ dẫn địa lý Đồng Giao cho sản phẩm dứa được tỉnh Ninh Bình triển khai từ năm 2015, trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo bảng xếp hạng của Vietkings năm 2016, dứa Đồng Giao là một trong số 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam. Đồng Giao là vùng chuyên canh dứa lớn nhất ở Ninh Bình, với hai giống là dứa Cayene và dứa Queen. Sản phẩm dứa nơi đây nổi tiếng với vị ngọt đậm và hàm lượng chất dinh dưỡng cao (hàm lượng chất khô hòa tan: 12,71-14,03 0bx (dứa Cayene); 16,7-17,87 03 0bx (dứa Queen), hàm lượng vitamin C: 27,87-28,57 mg/100g (dứa Cayene); 26,52-27,10 mg/100g (dứa Queen), hàm lượng axit: 0,75-0,71% (dứa Cayene); 0,78-0,79 (dứa Queen).

Bên cạnh kinh nghiệm và bí quyết canh tác của người dân, các đặc tính này có được là nhờ điều kiện tự nhiên độc đáo của khu vực này: vùng bán sơn địa, có mức độ phân cắt địa hình ít nên tạo sự đồng đều về khí hậu, tiêu thoát nước tốt, thuận lợi cho việc trồng và sản xuất cây dứa. Đất đai nơi đây có hàm lượng sét cao, tầng mặt của đất tơi xốp, phù hợp với đặc điểm của cây dứa là có bộ rễ yếu, ăn nông và cần lượng nước cao.Ngoài ra, đây là khu vực có biên độ nhiệt ngày đêm lớn (4 – 6oC) và lượng bức xạ cao giúp tạo nên đặc điểm đặc thù cho sản phẩm dứa Đồng Giao.

Việc được cấp chỉ dẫn địa lý được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất và phát triển thương hiệu dứa Đồng Giao.