Thế giới vừa trải qua một năm nhiều thảm họa thiên nhiên nhất từ trước đến giờ. Theo ước tính, tổng số về thiệt hại nhân mạng do các thảm họa thiên nhiên là 26.000 người, giá trị kinh tế ước tính 85 tỷ USD.

Trận động đất ở Nepal gây nhiều thiệt hại về người và của. Ảnh: Wiki
Trận động đất ở Nepal gây nhiều thiệt hại về người và của. Ảnh: Wiki

Khủng khiếp nhất là trận động đất tại Nepal vào tháng 4. Chỉ với cường độ 7,3 độ richter, thảm họa này đã làm chết 9.000 người, phá hủy hoàn toàn 505.000 ngôi nhà và làm hư hại một phần 279.000 ngôi nhà khác.

Nhiệt độ tăng cao không còn là một lời cảnh báo xa xôi nữa. Ngay khi bước vào tháng 12, Liên Hợp Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy 2015 là năm nóng nhất trong lịch sử kể từ khi loài người bắt đầu có các thông số thống kê về nhiệt độ, cao hơn 0,970C so với mức trung bình 12,90C. Hậu quả nặng nề nhất xảy ra tại những vùng có nhiệt độ tăng cao vào mùa hè. Theo thống kê, nhiệt độ lên tới 46-490C đã giết hại 2.500 người tại Ấn Độ và 2.000 người ở nam Pakistan. Riêng tại bang Andhra Pradesh (Ấn Độ), nhiệt độ cao đã gây ra cái chết của 1.735 người.
Các vụ cháy rừng tại Indonesia - một trong những thảm họa sinh thái lớn nhất thế kỷ 21 - đã phá hủy 21.000km2 diện tích rừng và gây ra 50.000 ca bệnh về hô hấp. Các vụ cháy tại đây đã thải vào môi trường 1,62 tỷ tấn cácbon và gây thiệt hại 4,27 tỷ USD.

Các vụ lụt lội khắp nơi trên thế giới được ghi nhận như “thành quả” của sự kết hợp giữa El Nino và xu thế ấm lên toàn cầu. Riêng vụ lụt tại Chennai - Ấn Độ vào cuối năm đã làm chết 280 người, ảnh hưởng đến 50.000 người có thu nhập thấp và gây thiệt hại 3 tỷ USD.

Biến đổi khí hậu không còn là một lời cảnh báo xa vời. Năm 2015 được coi là điểm mốc chuyển mình của Trái đất đã ở trong thời kỳ đại tuyệt chủng lần thứ sáu.