Theo PGS. TS. Tạ Cao Minh, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ (CTI), Trường đại học bách khoa, Việt Nam có những cơ sở bước đầu để tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4 (CMCN).

Những cơ sở bước đầu

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người chỉ là 2.200 USD (theo thống kê của Standard & Poor), nhưng cũng đã tham gia khá sâu và rộng trong lĩnh vực Internet và truyền thông. Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết năm 2015, tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam đã đạt 52% dân số. Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về thời gian sử dụng Internet với 5,2 giờ mỗi ngày, đứng thứ 22 trên thế giới tính theo dân số về số người sử dụng mạng xã hội (thống kê của wearesocial.net). Hiện tại, 55% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại di động. Với một chiếc điện thoại được kết nối Internet, chúng ta có thể được cập nhật các tin tức thời sự xã hội tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Cũng thể đặt vé máy bay, gọi taxi giá rẻ hay lên mạng xã hội tán gẫu với bạn bè. Việt Nam đang được tận hưởng những công nghệ mới nhất của thế giới trong lĩnh vực truyền thông di động. Đây cũng là cơ sở bước đầu để Việt Nam tham gia vào cuộc CMCN4.

Có 2 lĩnh vực được nhắc đến trong CMCN4 thuộc về y học là cấy ghép và in 3D thì Việt Nam đã có được những thành tựu nhất định. In 3D còn được gọi là công nghệ “chế tạo cộng”. Nó khác với công nghệ sản xuất vật liệu thông thường ở chỗ không phải gọt giũa phôi (chế tạo trừ) để tạo ra sản phẩm hoàn thiện, ngược lại nó được chế tạo theo từng lớp, bổ sung dần dần cho đến khi khi sản phẩm hoàn thiện. Công nghệ in 3D đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2003, tuy nhiên do giá thành thiết bị khá đắt đỏ nên chưa ứng dụng được nhiều.

Hiện nay, in 3D đã được ứng dụng tại Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, mỹ thuật, y học đến kiến trúc, xây dựng. Thành tựu nổi bật nhất là vào năm 2016, các bác sỹ của bệnh viện Chợ Rẫy đã in một mảnh sọ nhân tạo bằng methyl methacrylate để vá sọ cho một bệnh nhân với một lỗ thủng trên hộp sọ rộng gần 140 mm. Việt Nam cũng đã có những tiến bộ trong việc cấy ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư. Các bác sỹ đã làm khá thành tạo các ca phẫu thuật ghép thận, ghép tạng. Về mặt kỹ thuật, người Việt Nam có khả năng tiếp thu các công nghệ tiên tiến rất nhanh.

Trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), một trong những đặc trưng chủ yếu của CMCN4, chúng ta cũng đã có những sản phẩm AI “Made in Vietnam”, chẳng hạn như “Hệ thống Săn dữ liệu mạng xã hội” của Lê Công Thành và các cộng sự thuộc Topica AI Labs. Hệ thống AI này được các ngân hàng, Tổng cục Du lịch và nhiều doanh nghiệp sử dụng để định vị thương hiệu. Một dự án AI khá thú vị khác là của TS. Nguyễn Tuấn Đức cùng các cộng sự tại Alt Việt Nam đang phát triển một chatbot thay thế con người làm một số công việc như trả lời điện thoại, email, đặt lịch làm việc.

Việt Nam đang ở đâu?

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng (đường xá, cầu cống, bến cảng, sân bay) đã được tiến hành mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Các ngành công nghiệp Năng lượng và Vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, kính xây dựng, …) cũng được Nhà nước ưu tiên phát triển. Đối chiếu với các nước đã phát triển thì đó các các công đoạn của thời kỳ CMCN1. Ngành đường sắt còn rất lạc hậu, tốc độ tầu thấp do khổ đường ray nhỏ, được Pháp xây dựng từ cách đây hơn 1 thế kỷ, nhưng vẫn thường xuyên có tai nạn thương tâm do bị xung đột với giao thông đường bộ. PGS. TS. Tạ Cao Minh cho rằng, đó chỉ là 1 ví dụ rất cụ thể cho thấy chúng ta vẫn đang ở vị trí của CMCN1. Mặc dù đã có thể sản xuất điện từ lâu và đủ cung cấp cho công nghiệp và dân dụng, nhưng chúng ta chưa sản xuất được các chủng loại đa dạng động cơ, càng chưa sản xuất được các máy công cụ, động lực chính cho các dây chuyền lắp ráp, sản xuất hàng loạt. Nhà máy chế tạo động cơ Việt – Hung mới chỉ chế tạo được động cơ không đồng bộ công suất nhỏ và vừa cho các ứng dụng đơn giản như bơm nước, quạt gió, băng tải. Các dây chuyền công nghệ và dây chuyền lắp ráp hiện nay hầu hết là nhập ngoại. Do vậy, không thể nói rằng chúng ta đã làm xong CMCN2.

Máy tính cá nhân, điện thoại di động được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam nhờ mạng lưới viễn thông khá tiên tiến trong khu vực. Chúng ta có quyền tự hào về năng lực của người Việt Nam và hệ thống CNTT. Tuy nhiên, để nói về CMCN3, thì rõ ràng là chưa. Trí tuệ Việt Nam mới được thể hiện ở công nghệ phần mềm. Dùng iPhone, iPad, Samsung, … chúng ta đang ở vai trò của người tiêu thụ và sử dụng các dịch vụ. Việc tự động hóa toàn diện sản xuất (điểm đặc trưng của CMCN3) là một điều còn xa với với công nghiệp Việt Nam.

Như vậy, trong khi phần lớn các thành phần của nền kinh tế quốc dân còn đang ở vị trí của CMCN1, CMCN2, thì chúng ta đã có một số ngành cố gắng bắt kịp CMCN3 (CNTT, Viễn thông), và đã có một vài yếu tố của CMCN4.


Ảnh minh họa

Ngành nào cho CMCN4 tại Việt Nam?

Theo GS. Hồ Tú Bảo, Trường khoa học tri thức, Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản, CMCN4 không phải là cuộc cách mạng được tiến hành bởi toàn dân, dù ảnh hưởng đến mọi người dân, mà bởi chiến lược và chính sách quốc gia, bởi thay đổi mạnh mẽ của các doanh nghiệp, và bởi lực lượng tinh hoa của khoa học và công nghệ đất nước. CMCN4 không thể làm chỉ bởi ý chí mà phải bằng tri thức, dẫn dắt bởi những cá nhân, những nhóm người nắm được những công nghệ tiên tiến của TTNT, của khoa học dữ liệu, của kết nối thế giới thực và không gian số, của công nghệ sinh học và khoa học vật liệu…

Có những thứ ta phải lựa chọn làm đòn bẩy để phát triển, như ta đã chọn nông nghiệp và du lịch, và có những thứ không thể chọn mà nhất thiết phải làm như giáo dục, môi trường và y tế. PGS. TS. Tạ Cao Minh đề nghị: “Phải chăng đi trong CMCN4 của ta trước hết chính là làm nông nghiệp và du lịch thông minh, là làm giáo dục, môi trường và y tế thông minh khi biết lựa chọn và có thể làm chủ những công nghệ số và các công nghệ cao cần cho mình?”.

Về nông nghiệp trong CMCN4. Nông nghiệp thông minh có thể nằm ở việc chuyển dịch một phần diện tích lúa sang các cây trồng, vật nuôi khác có giá trị cao hơn lúa. Việc dịch chuyển ở đâu, chuyển bao nhiêu, giá trị cao hơn bao nhiêu… đều cần và có thể tính toán được nhờ khoa học dữ liệu. Chẳng hạn trong việc nuôi tôm, tạo ra các giống tôm không thoái hoá cũng như thức ăn thích hợp cho chúng cần được nghiên cứu với việc sử dụng công nghệ số. Từ đây từng bước ta có thể tiến đến nông nghiệp chính xác (precision agriculture).

Du lịch trong CMCN4 cũng cần được phát triển một cách thông minh với hỗ trợ của công nghệ số. Sự thông minh thể hiện ở chỗ phải tính toán được lợi hại của các dịch vụ, tuyên truyền sâu rộng cho người dân thấy lợi ích của dịch vụ chất lượng cao cũng như thiệt hại của ‘ăn xổi’ để khách ‘một đi không trở lại’ hoặc khách lan truyền các điểm yếu kém của du lịch Việt Nam trên không gian mạng. Việc giới thiệu du lịch cũng cần dựa trên các công nghệ số hiện đại. Cách làm của Uber dùng công nghệ số để cung cấp tiện ích cho khách hàng rất đáng học tập cho các hoạt động du lịch ở Việt Nam. Dùng được công nghệ số có thể tạo ra và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch, làm cho du khách thật hài lòng khi đến Việt Nam.

Theo PGS. TS. Tạ Cao Minh, cần tìm cách số hoá được sông ngòi, tính toán và mô phỏng được các tình huống lũ lụt có thể xảy ra để có phương án thích hợp, tránh tình trạng phải xả lũ nhưng không biết thiệt hại sẽ xảy ra thế nào.

CNTT cơ bản lâu nay mới góp phần vào việc quản lý bệnh viện, nhưng chưa trực tiếp vào việc khám chữa bệnh. Tiến bộ của công nghệ số ngày nay cho phép số hoá tình trạng bệnh tật và chăm sóc y tế của mỗi người dân trong bệnh án điện tử, làm nền tảng cho y tế điện tử (e-Health). Có thể khai thác các bệnh án điện tử để tìm ra các tri thức y học, hỗ trợ chẩn đoán, cảnh báo sai sót, gợi ý điều trị, dự đoán tác dụng phụ của thuốc...

Cần xem xét tác động của CMCN4 lên hầu hết mọi lĩnh vực của xã hội, cần sử dụng công nghệ số, dùng khoa học dữ liệu trong các ngành tài chính, ngân hàng, năng lượng, giao thông vận tải… Chẳng hạn, ùn tắc giao thông có thể được cải thiện nếu ta tự động phân tích được tình hình giao thông từ dữ liệu số thu bằng các cảm biến gắn trên một số xe và máy quay ở những điểm chọn lựa (thay vì các tình nguyện viên gọi điện thoại báo về tổng đài).