Xuất sắc vượt qua hàng trăm bài dự thi của các chuyên gia phẫu thuật nội soi (PTNS) từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á…, bài trình bày của nhóm bác sĩ Việt Nam lọt vào top 3 video được bình chọn nhiều nhất trước khi chinh phục hội đồng giám khảo và giành chiến thắng.

Nhóm bác sĩ của Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM vừa được trao giải nhất về Video phẫu thuật nội soi cắt gan tại Hội nghị của Hội phẫu thuật nội soi cắt gan (PTNSCG) thế giới được tổ chức lần đầu tiên ở Paris, Pháp.

Theo TS BS. Trần Công Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy của Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, bài dự thi của các bác sĩ thuộc Bệnh viện có 2 điểm đặc biệt; thứ nhất, nhóm nghiên cứu đã vận dụng được những nguyên lý cơ bản của phẫu thuật gan tiên tiến trong phẫu thuật mổ mở để thực hiện các cuộc phẫu thuật nội soi cắt gan xuất hiện trong video.

Bác sĩ Long đang thuyết trình về phương pháp Phẫu thuật nôi soi cắt gan ở hội nghị
Bác sĩ Long đang thuyết trình về phương pháp Phẫu thuật nôi soi cắt gan ở hội nghị. Ảnh Bệnh viện cung cấp

Thứ hai, thay vì trình bày từng ca phẫu thuật đơn lẻ như các đồng nghiệp thế giới, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp một video hoàn chỉnh mô tả cụ thể các kỹ thuật phẫu thuật cho từng trường hợp ung thư gan khác nhau. Bài trình bày của nhóm chuyên gia người Việt có tính tổng quan và hệ thống hơn các bài dự thi khác.

Để người bệnh bớt đau, phục hồi nhanh

Khi được hỏi về lí do cội nguồn của dự án, bác sĩ Long trả lời: “Trước đây khi muốn điều trị ung thư gan, người ta phải tạo một vết mổ rất lớn chừng 20-30cm ở dưới bờ sườn người bệnh để đưa tay vô xoay trở, xử lý khối bướu và cắt phần gan hỏng đem ra ngoài. Các bác sĩ đau sót khi thấy người bệnh chịu đau đớn sau mổ như vậy. Làm sao để giúp bệnh nhân bớt đau và hồi phục nhanh hơn chính là lí do khiến nhóm nghiên cứu ấp ủ tìm cách ứng dụng phẫu thuật nội soi vào lĩnh vực này”.

Thay vì phải chịu một vết mổ lớn từ liệu pháp “mổ mở”, với phương pháp điều trị phẫu thuật nội soi cắt gan, các bác sĩ chỉ cần rạch một vệt nhỏ khoảng 5cm trên phần bụng bệnh nhân; nhờ vậy nên người bệnh sẽ ít đau, phục hồi nhanh và ra viện sớm, Phó Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy của Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM cho biết thêm.

Bác sĩ Long đang giới thiệu về phương pháp Phẫu thuật nội soi cắt gan với Phóng viên Báo Khoa học và Phát triển
Bác sĩ Long đang giới thiệu về phương pháp Phẫu thuật nội soi cắt gan với Phóng viên Báo Khoa học và Phát triển. Ảnh: Tùng Minh

“Để cho bệnh nhân nữ có một cái bụng lành lặn, thậm chí còn có thể mặc đồ tắm; chúng tôi có thể thực hiện một vết mổ nhỏ, nhẹ nhàng ở ngay trên xương mu rồi mang cái bướu ra. Vết sẹo sẽ nằm ngay dưới nếp quần và không lộ ra ngoài”, bác sĩ Long đưa ví dụ.

Liệu pháp PTNSCG còn giúp người bệnh mất ít máu hơn với tỉ lệ tai biến không cao hơn và đặc biệt ở các trường hợp bệnh nhân bị xơ gan thì người bệnh còn hồi phục nhanh hơn so với liệu pháp mổ mở.

Mới chỉ được sử dụng ở những ca đơn giản

Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM đã thực hiện đến hơn 450 ca phẫu thuật nội soi cắt gan; trong đó tỉ lệ thất bại khi mổ và cần chuyển qua mổ mở chỉ là 4,5%, tỉ lệ tai biến chứng chỉ 5% và ghi nhận không có trường hợp tử vong khi nằm viện. Đáng chú ý, các thông số của liệu pháp PTNSCG không hề thua kém khi so với phương pháp phẫu thuật truyền thống.

Tuy nhiên, phương pháp trên vẫn có một vài hạn chế: liệu pháp chỉ phù hợp với những bệnh nhân có khối u bé hơn 5cm, nằm ở phần ngoại vi của gan và không liên quan đến các mạch máu lớn, bác sĩ Long đề cập.

“Hiện nay, chỉ có khoảng 30-40% trường hợp cắt gan là được điều trị bằng PTNS; ở một số ca quá phức tạp, phẫu thuật mổ mở vẫn được tin dùng vì là liệu pháp thường quy”, bác sĩ Long chia sẻ.

Trước đó, vào năm 2010 và 2013, dự án của nhóm đạt thành tựu là một trong những công trình xuất sắc nhất ở Hội nghị của hội phẫu thuật nội soi thế giới và hội phẫu thuật nội soi Hoa Kỳ được tổ chức ở Mỹ. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn vinh dự nhận thêm một số giải thưởng từ các tổ chức Y tế uy tín vào các năm sau đó.

Trong tương lai, các bác sĩ thuộc Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM sẽ tiếp tục cải tiến, chuẩn hóa và hoàn thiện hơn nữa liệu pháp này; ứng dụng của dự án thậm chí còn thể được sử dụng ở các ca ghép gan, bác sĩ Long bộc bạch.

Theo số liệu từ Cơ quan Quốc tế nghiên cứu ung thư (IARC), Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỉ lệ người mắc bệnh ung thư cao nhất thế giới. Cụ thể, chúng ta đứng ở vị trí 78 trong tổng số 172 nước tham gia xếp hạng.

Trong đó, ung thư gan là một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất Việt Nam: tỉ lệ người mắc bệnh của ung thư gan xếp thứ 2 ở nam giới (sau ung thư phổi) và xếp thứ 3 ở nữ giới (sau ung thư vú và ung thư phổi); đáng chú ý, tỉ lệ người tử vong do ung thư gan hiện đang xếp ở vị trí đầu tiên ở cả 2 giới.