Các nhà khoa học ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM đã nghiên cứu thành công quy trình nhân giống cây lan kim tuyến trong ống nghiệm; biển Chết có khả năng biến mất hoàn toàn... là những tin khoa học nổi bật chiều 25/11.

Bio Techmart 2016 sẽ trưng bày hơn 350 công nghệ, sản phẩm sinh học

Đại diện Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành sinh học (BioTechmart) 2016 sẽ được tổ chức tại Sàn Giao dịch công nghệ (24 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) từ 30/11-3/12 tới. BioTechmart 2016 sẽ trưng bày 356 công nghệ, thiết bị và sản phẩm của hơn 40 đơn vị gồm các viện, trường và doanh nghiệp, tập trung vào công nghệ gen, vi sinh, protein và enzyme, tế bào, sinh-y học, sinh học nano, sinh học môi trường, sinh học biển, tin-sinh học… (XEM THÊM)

Phòng nuôi cấy mô tại Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

TPHCM sẽ có khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản

TPHCM sẽ đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao chuyên ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ. Đây là Khu nông nghiệp công nghệ cao thứ hai tại TP.HCM. Dự án sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động nghiên cứu khoa học, trình diễn thử nghiệm các mô hình sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ; kêu gọi đầu tư lĩnh vực sản xuất giống thủy sản gồm giống thủy sản nước lợ, mặn; công nghệ nuôi thâm canh hoặc siêu thâm canh; chế phẩm sinh học phục vụ thủy sản. Dự án dành khoảng 50ha kêu gọi vốn đầu tư của doanh nghiệp, ước tính khoảng 760 tỷ đồng (15,3tỷ/ha). (XEM THÊM)

Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao ở Cần Giờ thực hiện từ 2016-2021.

Nhân giống vô tính cây lan kim tuyến

Các nhà khoa học trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM đã nghiên cứu quy trình nhân giống cây lan kim tuyến trong ống nghiệm nhằm tìm cách bảo tồn và cung cấp giống cây quý hiếm này. Trong tự nhiên, loại cây cảnh và cây thuốc quý này đang bị khai thác quá mức, bị thu hẹp môi trường sống tự nhiên và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. (XEM THÊM)

Cây lan Kim Tuyến đã được nhân giống vô tính.

Biển Chết có khả năng biến mất hoàn toàn

Nhóm các nhà môi trường học EcoPeace Middle East cho biết mực nước biển Chết - hồ nước muối nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan - đang giảm tới mức báo động với tỷ lệ khoảng 1 mét mỗi năm. Hoạt động của con người là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. "Không phải một quốc gia mà cả khu vực đang hủy hoại Biển Chết", Moritz Küstner - một nhiếp ảnh gia nói. Ngành công nghiệp khai thác khoáng chất cũng là lý do làm giảm mực nước. Một nguyên nhân khác đó là khí hậu khô, nóng của Trung Đông khiến vùng hồ gặp khó khăn trong việc tự bổ sung nước. (XEM THÊM)

Mực nước Biển Chết đang giảm khoảng một mét mỗi năm. Ảnh: Moritz Kustner

Turbine biến gió bão thành điện đủ cho Nhật Bản dùng suốt 50 năm

Kỹ sư Nhật Bản Atsushi Shimiz đã thiết kế turbine đón bão có khả năng biến sức mạnh từ bão thành năng lượng để sử dụng. Turbine gồm ba cánh thẳng đứng và một thanh trụ trung tâm, ứng dụng hiệu ứng Magnus. Theo đó, một phần dòng không khí khi đi qua vật thể đang quay sẽ tạo lực nâng cân bằng với trọng lực, cho phép vật thể lơ lửng. Shimizu cho biết Nhật Bản có nhiều năng lượng gió hơn năng lượng Mặt trời nhưng chưa được khai thác đúng mức. Ông cũng tin một cơn bão có đủ năng lượng cho Nhật Bản sử dụng trong 50 năm. (XEM THÊM)

Thiết kế các cột turbin gió. Ảnh: Inhabitat

Phát hiện loài cáo đen cực hiếm ở Anh

Ông Paul Stevens, 67 tuổi ở Anh mới phát hiện một con cáo đen vô cùng quý hiếm trong tự nhiên. Thoạt nhìn, mọi người có thể nhầm lẫn chú cáo đen này với một con chó. "Chú cáo có vẻ rất cảnh giác và thận trọng. Tôi đã kịp chụp một vài bức ảnh trước khi nó chạy đi" - ông Stevens nói. Được biết, cáo đen là loài cáo hiếm trong tự nhiên. Màu lông khác thường của chúng có được là do đột biến gene gây ra. (XEM THÊM)

Con cáo đen cực kì hiếm.

Cầu vồng hình tròn xuất hiện trên bầu trời Anh

Bernie Welch - một người dân ở Anh - đã quay được cảnh cầu vồng hình tròn hiếm gặp từ đài quan sát trên tháp Emirates Spinnaker, thành phố Portsmouth. Cầu vồng thực chất có hình tròn. Tuy nhiên, chỉ các phi công khi ở trong điều kiện đặc biệt trên bầu trời mới nhìn thấy hình tròn hoàn hảo của nó. Góc độ của ánh sáng Mặt Trời khi đi qua các hạt nước trong không khí khiến chúng ta chỉ thấy một hình vòng cung nếu nhìn từ mặt đất. (XEM THÊM)

Cầu vồng hình tròn. Ảnh minh họa