Chiều 20/8, tại Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc, 100 nhà khoa học Việt trẻ tài năng đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã cùng các nhà quản lý và doanh nhân thảo luận những vấn đề liên quan đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo và CMCN 4.0 tại Việt Nam.

Tham gia cuộc gặp có các nhà khoa học trẻ, uy tín như: TS Lê Viết Quốc - lãnh đạo cấp cao của Google Brain, GS Nghiêm Đức Long - Giám đốc Trung tâm công nghệ nước tại Đại học Công nghệ Sydney, Australia; PGS-TS Trần Thị Như Hoa, Đại học Gachon, Hàn Quốc, Phó trưởng ban khoa học Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK)...

Về phía doanh nghiệp, có lãnh đạo của các tập đoàn FPT, VNPT, Viettel.

Tại cuộc gặp, những vấn đề được tập trung thảo luận bao gồm trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, đào tạo nguồn nhân lực...

Trao đổi với Khoa học và Phát triển, anh Trần Đặng Minh Trí – đồng sáng lập Công ty Harrison AI (Australia), cho rằng thách thức lớn nhất của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0 là phải có nền tảng tốt về dữ liệu. Dữ liệu của Việt Nam tuy nhiều nhưng còn tản mát, và chưa được số hóa theo quy chuẩn. Vì vậy Việt Nam cần xây dựng nền tảng dữ liệu chuẩn và những tập đoàn lớn, nhiều tiềm lực như FPT, Viettel, VNPT, Vingroup… có khả năng làm việc này. Anh Trí hi vọng được hợp tác với những tập đoàn lớn như vậy để xây dựng giải pháp tổng thể dựa trên nền tảng mà các công ty này đang xây dựng.

Không riêng gì anh Trí mà nhiều nhà khoa học khác cũng bày tỏ mong muốn sau chuyến đi này sẽ có cơ hội hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp ở Việt Nam. Anh Nguyễn Kỳ Tài, cho biết sẵn sàng cùng doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp - lĩnh vực mà anh đang theo đuổi ở Australia.

Bên cạnh đó, một số nhà khoa học đề xuất cần có một nền tảng khoa học mở để nhà khoa học Việt trên thế giới sử dụng chung và chia sẻ tri thức.

Trao đổi với các nhà khoa học, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nói, bây giờ đang là thời điểm vàng để phát triển khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT, Vingroup... đều đang có tham vọng giải những bài toán lớn về cạnh tranh toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngũ Hiệp

"Các nhà khoa học cùng bắt tay với nhà nước, doanh nghiệp xác định hướng phát triển sản phẩm. Cần chọn sản phẩm cụ thể, thị trường hẹp nhưng có thể cạnh tranh được với thế giới" - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.

Thứ trưởng Duy cũng nhấn mạnh, các nhà khoa học trong Mạng lưới đổi mới sáng tạo không chỉ được trông đợi tham gia vào các dự án cụ thể của các tập đoàn, mà ở mức độ cao hơn, sẽ tham gia xây dựng nguồn nhân lực cho Việt Nam.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp 4.0.
Ảnh: Ngũ Hiệp

Về phía mình, lãnh đạo các tập đoàn lớn như FPT, VNPT, Viettel đều thể hiện mong muốn sớm được hợp tác với các nhà khoa học.

"Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng tiên phong chuyển đổi số của Việt Nam, chúng ta không thể bỏ lỡ mà cần chủ động nắm bắt. Các tài năng trẻ của Việt Nam có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu trong các ngành; các doanh nghiệp công nghệ trẻ như FPT có các dự án, các bài toán ứng dụng xu hướng công nghệ mới vào các hoạt động thực tế của doanh nghiệp, tổ chức. Sự hợp lực của hai bên sẽ tạo nên sức mạnh vô biên để Việt Nam khai thác cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 trở thành quốc gia tiên phong chuyển đổi số và tham gia chuyển đổi số cho các tập đoàn hàng đầu thế giới", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói.

Cuộc gặp tại Khu CNC Hòa Lạc nằm trong khuôn khổ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Network 2018) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và chủ trì, với sự phối hợp của các Bộ: KH&CN, Ngoại giao, Giáo dục và Đào tạo, diễn ra từ ngày 18 đến 24/8. Đây là chương trình quy tụ 100 nhà khoa học trẻ tài năng người Việt được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong các ngành: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hoá, robotics...