Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ điều phối hoạt động phân tích, đánh giá của các đơn vị nghiên cứu của các bộ, ngành nhằm thống nhất cơ sở khoa học để hỗ trợ kịp thời các bộ sớm xác định nguyên nhân cá chết bất thường.


Chiều 26/4, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã chủ trì cuộc họp với các viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan quản lý của các bộ, ngành liên quan nhằm đánh giá một cách khoa học, khách quan, toàn diện các nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng hải sản chết bất thường mất ngày qua.

Ngay khi nắm bắt được thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết bất thường ở 04 tỉnh miền Trung.

Cuộc họp tập trung vào việc chia sẻ kết quả khảo sát, phân tích; chia sẻ năng lực của các đơn vị nghiên cứu; trao đổi chuyên môn giữa các nhà khoa học, nhà quản lý liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm: nuôi trồng thủy sản, môi trường, địa chất - địa vật lý biển, hóa học, cơ học, công nghệ vũ trụ, kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm, lọc hóa dầu, khai thác khoáng sản.

Các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khảo sát lấy mẫu phân tích. Ảnh: Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam
Các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khảo sát lấy mẫu phân tích. Ảnh: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Theo thông tin tại cuộc họp, tính đến ngày 26/4/2016, đã có nhiều đơn vị nghiên cứu và quản lý của các bộ, ngành, địa phương triển khai các công việc khảo sát, phân tích, đánh giá và đưa ra nhiều nhận định khác nhau. Theo đó Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): thành lập đoàn công tác cùng với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Viện nghiên cứu Hải sản, đã tiến hành lấy mẫu cá chết trong lồng tại Hà Tĩnh; mẫu nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du tại Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế; Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): đã phân tích mẫu môi trường và bệnh dịch thuỷ sản; Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam): đã tiến hành phân tích các mẫu cá, mẫu nước do Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 thu thập được để phân tích độc tố;

Các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam: đã tiến hành lấy mẫu cá chết và quan trắc môi trường, dòng hải lưu, quan trắc ảnh vệ tinh; Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường): đã lấy mẫu nước biển, nước thải, mẫu cá chết; Viện Kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế): đang tiến hành phân tích mẫu cá chết do Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi;

Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tỉnh Quảng Trị: đã lấy mẫu cá gửi cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 2 Đà Nẵng đề nghị kiểm tra một số yếu tố gây độc kim loại nặng...

Như vậy, việc phân tích, đánh giá hiện tượng hải sản chết bất thường tại 04 tỉnh miền Trung đang được các đơn vị nghiên cứu khẩn trương tiến hành và đưa ra nhiều đánh giá và nhận định. Tuy nhiên, để có thể đưa ra kết luận một cách khoa học, khách quan, toàn diện về hiện tượng này, cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin và nguồn lực giữa các đơn vị nghiên cứu của các bộ, ngành khác nhau. Cần tránh những nhận định khi chưa có đầy đủ căn cứ xác định nguyên nhân của hiện tượng nêu trên.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ điều phối hoạt động phân tích, đánh giá của các đơn vị nghiên cứu của các bộ, ngành nhằm thống nhất cơ sở khoa học để hỗ trợ kịp thời cho Bộ Tài nguyên và môi trường và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm xác định nguyên nhân hải sản chết bất thường.

Trước đó ngày 18/4, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã cử đoàn công tác để nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường ở các tỉnh miền Trung. Tổ công tác liên ngành gồm các nhà khoa học của Viện Hóa học, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Cơ học, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, Viện Địa chất và Địa vật lý Biển, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Công nghệ Môi trường.

Theo đó từ ngày 19 đến ngày 24/4 tổ công tác đã khảo sát hiện trường tại các điểm từ Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) đến Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đồng thời tiến hành đo đạc các thông số tại hiện trường và tiến hành lấy 200 mẫu nước và trầm tích biển; 200 mẫu cá chết tại các điểm Vũng Áng, Đèo Ngang, Cửa Nhật Lệ, Cồn Cỏ, Cửa Tùng, Cửa Việt, Chân Mây và Lăng Cô.

Tổ công tác đã tiến hành thu ảnh khu vực nghiên cứu thông qua vệ tinh VNRED Sat-1 và ghi nhận lại các hoạt động địa chấn tại khu vực nghiên cứu và các khu vực liên quan. Tìm hiểu các đặc trưng khí tượng, thủy- hải văn, động lực biển tại khu vực nghiên cứu. Hiện các mẫu đang được phân tích để có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

Thông tin báo chí nêu trong 20 ngày qua, trên phạm vi 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã xảy ra hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt.

Theo tính toán bước đầu của Tổng cục Thủy sản, tình đến ngày 23/4, tại Hà Tĩnh thiệt hại 37.200 con cá giống, 90 vạn con tôm giống, 20 vạn ngao giống, ước tính khoảng 4,7 tỷ đồng. Quảng Trị số lượng cá chết khoảng 30 tấn, Thừa Thiên Huế cá chết khoảng 5.900 con. Quảng Bình chưa có thống kê thiệt hại cụ thể.