Sáng ngày 7/8, tại bãi biển Kim Liên (Đà Nẵng), hơn 700 người tham gia sự kiện “Giải cứu đại dương” để dọn sạch 500m bờ biển.

"Dọn vệ sinh bãi biển" là một hoạt động ý nghĩa giúp thay đổi nhận thức của người dân về rác thải nhựa | Ảnh: Internet
"Dọn vệ sinh bãi biển" là một hoạt động ý nghĩa giúp thay đổi nhận thức của người dân về rác thải nhựa | Ảnh: Internet

Hiện nay, các hệ sinh thái biển và đại dương trên thế giới đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi rác thải nhựa. Mỗi năm có thêm khoảng 8 triệu tấn rác thải đổ vào đại dương làm tổng số rác nhựa tích tụ lên đến con số 150 triệu tấn. Trong đó, 80% số rác nhựa có nguồn gốc từ đất liền. Việt Nam được coi là một trong những quốc gia thải ra biển lượng rác nhựa lớn nhất thế giới.

“Lâu nay con người vẫn coi đại dương là một vựa sống vô hạn, đồng thời cũng là một bể chứa rác thuận tiện và khổng lồ. Mỗi năm chúng ta mất khoảng từ 500 đến 2.500 tỷ đô la Mỹ do tác động của rác thải nhựa lên các đại dương. Chúng ta cần đảo ngược xu thế này để có được cuộc sống an toàn và tương lai bền vững hơn”, ông Bejamin Rawson, Giám đốc Bảo tồn và Phát triển Chương trình WWF-Việt Nam cho biết.

Sự kiện dọn rác “Giải cứu đại dương” thu hút hơn 700 người tham gia không chỉ nhằm chung tay cùng Đà Nẵng làm sạch bãi biển, trả lại cảnh quan môi trường mà còn hướng tới việc nâng cao nhận thức của tất cả các bên về thực trạng, tác hại của rác thải đối với sự sống, từ đó hướng tới việc thay đổi hành vi sử dụng và thải loại rác nhựa ra môi trường.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Vì một cộng đồng không rác thải nhựa” do WWF Việt Nam phối hợp cùng Prudential triển khai thực hiện, có sự tham gia của Sở Tài nguyên và Môi trường và Thành Đoàn thành phố Đà Nẵng.

Khảo sát gần đây của WWF-Việt Nam về hiểu biết – thái độ và thực hành liên quan tới sử dụng và xả thải rác thải nhựa, với sự tham gia của trên 2.000 lượt người, cho thấy “dọn vệ sinh bãi biển” là hoạt động được lựa chọn tham gia nhiều nhất nhằm giảm thiểu rác thải nhựa xả ra môi trường (81%) và hầu hết đều cho rằng giảm thiểu rác thải nhựa là trách nhiệm của mỗi cá nhân (89,4%). Dọn rác bãi biển cũng được coi là hoạt động có ý nghĩa, giúp thay đổi nhận thức và thói quen của người tham gia sự kiện; đồng thời khích lệ sự tham gia của các thành viên trong các sự kiện tương tự trong tương lai.