Học chuyên Toán, Tin nhưng luôn ấp ủ khát vọng được góp tâm sức để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hai học sinh Hà Nội được Bộ GD&ĐT trao giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia 2016 khu vực phía Bắc cho đề tài nghiên cứu giảm phát thải khí CO2 từ đất.

Sáng 8/3, Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hải Phòng) hàng nghìn người đến cổ vũ cho lễ trao giải cuộc thi. Với 234 dự án tham gia thi, ban tổ chức đã chấm, trao giải Nhất cho hai dự án, trong đó có dự án Tận dụng Phytolith trong rơm rạ để cố định một số kim loại nặng và giảm phát thải CO2 từ đất của Phạm Vũ Tuấn Phong và Nguyễn Bảo Ngọc học sinh lớp 11, Trường chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên (Hà Nội).

Điều đáng nói, đề tài được trao giải thuộc lĩnh vực môi trường nhưng hai học sinh nghiên cứu lại học chuyên Toán và Tin. Ngọc và Phong đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chưa từng được trải nghiệm cuộc sống đồng ruộng, nhưng nhiều lần đọc các bài viết trên báo chí phản ánh người dân đốt rơm rạ gây ra khói ô nhiễm môi trường hay rơm rạ bị chất đống, thối rữa ở khắp các đường làng ngõ xóm khiến hai bạn trăn trở. Ngọc chia sẻ: “Ngay từ khi trình bày ý tưởng, được thầy cô giáo ủng hộ cả hai đã rất háo hức bắt tay vào triển khai”. Từ đó, cứ mỗi cuối tuần, Ngọc và Phong lại bắt xe về các vùng ngoại thành Hà Nội để lấy mẫu rơm rạ từ các vùng về nghiên cứu.

Hai bạn Phong và Ngọc trong phòng thực nghiệm.
Hai bạn Phong và Ngọc trong phòng thực nghiệm.

Bắt tay nghiên cứu đề tài từ tháng 4/2015, sau 4 tháng ròng rã trong phòng thí nghiệm đến thực địa cơ sở, cuối cùng Ngọc và Phong cũng vỡ òa trong sung sướng khi tìm ra hợp chất Phytolith, một chất quan trọng để cố định một số kim loại nặng và giảm phát thải CO2 từ trong đất. Đề tài cũng được đánh giá có tính ứng dụng thực tiễn khi hướng dẫn người dân dùng rơm rạ sau mỗi vụ mùa để đun nấu bằng bếp khí hóa. Phong giải thích, việc đốt yếm khí tạo ra năng lượng để đun nấu, không tạo khói độc hại hay CO2, còn phụ phẩm là tro có thể dùng để bón ruộng.

Mơ trở thành nhàkhoa học về môi trường

Phong học chuyên Tin, Ngọc học chuyên Toán nên gần như không có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực môi trường. Phong chia sẻ, sau mỗi giờ học, Phong và Ngọc lại ôm máy tính vào thư viện hoặc ra quán cà phê ngồi đọc nhiều tài liệu liên quan. “Tính Ngọc rất quyết đoán, đã làm gì là quyết làm đến cùng nên mỗi lần vướng mắc Ngọc nhắn tin hỏi thầy bằng được”, Phong chia sẻ. “Khó khăn ngay từ khi bắt tay vào cắt mẫu để nghiên cứu. Cả hai mất một tháng ròng chỉ một công đoạn lấy mẫu, cắt mẫu theo đúng quy trình. Khi đưa vào phòng thí nghiệm cũng phải làm đi làm lại nhiều lần, có thí nghiệm kéo dài từ 7-9 tiếng”, Ngọc nói. Ham mê, hiếu thắng, Ngọc chia sẻ, có nhiều bữa hai đứa dường như quên ăn. Đặc biệt, khi ngồi trong phòng thí nghiệm thì cứ cặm cụi cho ra được sản phẩm cuối cùng mới chịu ra về.

Nỗ lực đeo bám đề tài nhưng Phong đã nhiều lần rơi vào cảm giác tuyệt vọng, muốn đầu hàng, bỏ cuộc vì đã bỏ nhiều công sức vào làm mẫu, cấy, ghép nhưng thí nghiệm không cho kết quả như mong muốn. Khi đó, thầy Nguyễn Ngọc Minh (giáo viên hướng dẫn) động viên: “Kết quả như ý muốn chỉ đến với những người đã nỗ lực hết sức. Cả hai lại như được tiếp sức và bắt tay vào tìm thêm tài liệu, làm thí nghiệm”, Ngọc nói. Ngọc và Phong hiện đang theo học lớp 11 và đều chung ước mơ tìm được học bổng để sang Mỹ du học. Phong học khá giỏi môn Tin, tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2015, Phong giành giải khuyến khích. Còn Ngọc ngày đêm học Toán, tiếng Anh cũng như đọc nhiều tài liệu tìm hiểu để dần hiện thực hóa giấc mơ trở thành nhà khoa học về môi trường.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh năm nay thể hiện tính sáng tạo, ứng dụng thực tiễn cao. “Đây là thành công khởi đầu cho con đường nghiên cứu khoa học trong tương lai”, Thứ trưởng Hiển khẳng định.