Sáng 22/4/2017, tại Quảng trường Lý Thái Tổ, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Bộ KH&CN, UBND TP. Hà Nội, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Cục Sở hữu trí tuệ và Sở KH&CN TP. Hà Nội tổ chức chương trình kỷ niệm “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới” với chủ đề Chắp cánh sáng tạo (26/4).

Cùng tham gia tổ chức ngày hội còn có Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và CLB Doanh nhân Sáng tạo.

Năm nay, với mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ của cộng đồng, xã hội, đồng thời tạo động lực cho sự sáng tạo của các cá nhân và tổ chức, khơi dậy tiềm năng chất xám trong xã hội, thông qua đó thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, xa hơn là sự hình thành và phát triển của nền công nghiệp, nền kinh tế sáng tạo cho Việt Nam, chương trình được mang tên “Ngày sở hữu trí tuệ Thế giới 2017 tại Việt Nam – CHẮP CÁNH SÁNG TẠO”.

Ảnh minh họa.
Sự kiện năm nay mang tên "Chắp cánh sáng tạo".

Sự kiện diễn ra từ 8h00-11h00, ngày 22/4/2017 tại Quảng trường Tượng đài Lý Thái Tổ và phố đi bộ từ Tượng đài Lý Thái Tổ tới Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Chương trình bao gồm phần mít-tinh tổng kết các hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung cũng như các vấn đề về bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ tại Việt Nam; nghi thức thả bóng bay xanh trắng tượng trưng cho niềm mong mỏi, ý chí quyết tâm về một sự giải phóng, chắp cánh ngày một mạnh mẽ hơn nữa cho khát vọng, năng lực sáng tạo của Việt Nam; trình diễn hòa tấu âm nhạc, rap IP, nhảy flashmob để truyền đi những thông điệp, niềm cảm hứng về đổi mới sáng tạo; hoạt động truyền thống xuyên suốt từ 2015: “Walk A-head for Innovation & IP – Đi bộ bằng đầu sáng tạo dài lâu”…

Tham gia sự kiện có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, đại diện Ban bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí, Sở KH&CN TP Hà Nội, đại diện một số bộ ngành liên quan, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Đại học Ngoại thương, CLB Doanh nhân Sáng tạo, cùng gần 2000 người, bao gồm cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, cộng đồng IP, các nhà quản trị, doanh nhân, chuyên gia đổi mới sáng tạo và đông đảo sinh viên từ nhiều trường đại học cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.

Đổi mới sáng tạo và tài sản trí tuệ được xem là động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2016 Việt Nam đứng thứ 59/128 quốc gia và nền kinh tế trong Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và chỉ khoảng 20 - 30% số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Chúng ta đạt thứ hạng cao ở chỉ số “Hấp thụ tri thức”, “Dòng vốn đầu tư nước ngoài” cũng như “Lan truyền tri thức”, v.v. Nhưng chúng ta vẫn còn yếu ở nhóm chỉ số về “môi trường kinh doanh”, “xếp hạng các đại học”, “việc làm thâm dụng tri thức”, “đăng ký sáng chế quốc tế PCT”, v.v. Điều đó cho thấy chúng ta cần nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực để phấn đấu đạt mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4.

Việc phát triển kinh tế tri thức cần được xác định là hướng đi quan trọng để Việt Nam theo kịp sự phát triển của thế giới, trong đó sử dụng vốn tài nguyên và lao động gia tăng thông qua việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, nâng cao trình độ quản lý và kỹ năng của người lao động... Nói cách khác, chính là tăng cường các hoạt động đổi mới sáng tạo của các tổ chức và cá nhân.

Năm 2016 là năm vẫn còn nhiều khó khăn, kể cả trong lĩnh vực tăng trưởng kinh tế toàn cầu nên có những ảnh hưởng nhất định tới Việt Nam. Hàng loạt các hiệp định tự do thương mại song phương, đa phương được ký kết góp phần đẩy mạnh xu hướng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới của các quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam (nổi bật là kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương – TPP). Quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề “nóng” trong các hiệp định. Nhưng điều này đã thúc đẩy các thành viên, kể cả Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực cải cách và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai những thỏa thuận mới về sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.

Tuy vẫn còn trong giai đoạn khó khăn, nhưng các chính sách ban hành trong năm 2016 và đầu năm 2017 của Chính phủ đã phát huy tác dụng đưa kinh tế Việt Nam đi dần vào ổn định và phát triển. Chính vì vậy, các hoạt động SHTT của Việt Nam về cơ bản vẫn sôi động với sự gia tăng về đơn đăng ký SHCN, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2017.

Năm 2016, có 58.217 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ, tăng 14,2% so với năm 2015, bao gồm: 5.228 đơn sáng chế; 478 đơn giải pháp hữu ích; 2.868 đơn kiểu dáng công nghiệp; 42.848 đơn nhãn hiệu quốc gia và 6.656 nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Hệ thống Madrid; 09 đơn chỉ dẫn địa lý; 07 đơn đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và 123 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam (07 đơn sáng chế, 116 đơn nhãn hiệu).

Đã chấp nhận bảo hộ cho 29.880 đối tượng SHCN, bao gồm:1.893 sáng chế;177 giải pháp hữu ích;1.966 kiểu dáng công nghiệp;25.720 nhãn hiệu (trong đó có 4.822 nhãn hiệu quốc tế đăng ký theo Hệ thống Madrid); 07 chỉ dẫn địa lý;09 thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và thẩm định hình thức 108 đơn đăng ký quốc tế nguồn gốc Việt Nam (07 đơn sáng chế, 101 đơn nhãn hiệu)