Câu chuyện 1.039 doanh nghiệp thực phẩm của Việt Nam bị loại khỏi danh sách xuất khẩu sang Mỹ vì không biết để tuân thủ quy định mới của thị trường này là một trong những bài học được nêu ra tại diễn đàn "Phát triển thị trường cho hàng Việt" diễn ra tại TPHCM ngày 28/8.

Rủi ro vì thiếu cập nhật thông tin

Câu chuyện được ông Mark Gillin - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam - nêu tại diễn đàn cho thấy một thực trạng đáng báo động: Vào thời điểm tháng 12/2016, Việt Nam có tới 1.845 doanh nghiệp thực phẩm đăng ký với Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ để xuất khẩu sang thị trường này; thế nhưng đến tháng 1/2017 chỉ còn 806 doanh nghiệp được chấp thuận.

“Hơn 1.000 doanh nghiệp bị loại khỏi danh sách xuất khẩu sang Mỹ vì không tuân thủ quy định mới là tất cả các nhà máy đăng ký phải gia hạn đăng ký sau mỗi 2 năm, bắt đầu từ năm 2016” - ông Mark Gillin nêu.

Vào đầu tháng 7/2017, một lô hàng của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị phát hiện chứa chất carbendazim - chất diệt nấm được sử dụng nhiều trong trồng cây ăn quả. Lập tức lô hàng đó bị cơ quan chức năng nước này tiêu hủy và nhà nhập khẩu Mỹ bị phạt hơn 50.000USD. Sau đó, phía doanh nghiệp Việt cũng nhận được cảnh báo nếu còn vi phạm chất cấm thì sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Người dân chọn sản phẩm rau sạch có xuất xứ rõ ràng trong siêu thị. Ảnh: T. Tuyền
Người dân chọn sản phẩm rau sạch có xuất xứ rõ ràng trong siêu thị. Ảnh: T. Tuyền

Thừa nhận thực tế này, bà Hà Minh Phương - Giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty Eurofins sắc ký Hải Đăng - cho biết hiện hệ thống thông tin về luật chưa được cung cấp rộng rãi cho nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chưa có thói quen cập nhật thông tin về luật liên quan đến thị trường xuất khẩu nên khó tránh rủi ro phạm luật.

Hai bộ cùng hỗ trợ doanh nghiệp

Theo bà Ratih Puspitasari - Giám đốc phụ trách hợp tác khoa học và luật định của Tập đoàn Cargill (Mỹ) khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, nhu cầu của thế giới về các loại đạm động vật lành mạnh và thực phẩm nhiệt đới ngày càng tăng. Vì thế, việc nâng cao năng lực cho ngành thực phẩm Việt Nam, thúc đẩy canh tác nông nghiệp bền vững và tuân thủ các yêu cầu mới của thị trường xuất khẩu - đặc biệt là thị trường Mỹ - rất cần thiết lúc này.


Để doanh nghiệp Việt tiếp cận được nhiều thị trường xuất khẩu lớn và đa dạng, bà Puspitasari cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh những tiêu chuẩn, quy định liên quan đến chất lượng và an toàn thực phẩm, giá trị dinh dưỡng và phát triển bền vững. “Cần có chính sách rõ ràng để thúc đẩy an toàn thực phẩm, thực hành tốt về chăn nuôi, kiểm soát chặt điều kiện vệ sinh và môi trường chăn nuôi. Đồng thời, cần có các quy định nghiêm ngặt về sử dụng thuốc trong chăn nuôi, chăm sóc vật nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế, học hỏi phương pháp chăn nuôi từ những thị trường thành công" - bà Ratih Puspitasari nói và cảnh báo nếu điều này bị lơ là, việc doanh nghiệp Việt bị loại khỏi cuộc chơi là đương nhiên.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng cho biết, trước tình hình nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn tại một số thị trường nước ngoài do chưa kịp thời nắm bắt các quy định về an toàn thực phẩm, Bộ KH&CN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, để tạo thuận lợi và giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, kinh doanh, với vai trò cầu nối,hai bộ đang có những hoạt động giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước.

Theo ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2016-2017, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các chương trình hành động về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm theo chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, thị trường. Trong đó, việc thực thi pháp luật như Luật An toàn thực phẩm, Luật Thú y đã được tăng cường, cùng với hoạt động kết nối, tuyên truyền về các địa chỉ cung cấp nông sản an toàn đến người tiêu dùng.