Các nhà nghiên cứu đề xuất một mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo cho giai đoạn 10 năm tiếp theo của Việt Nam.
Trong giai đoạn hơn 30 năm kể từ khi Đổi mới (1986), nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và thay đổi bộ mặt đất nước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mô hình kinh tế phát triển dựa chủ yếu vào thâm dụng lao động, sản xuất và xuất khẩu hàng công nghiệp chế tạo, cũng như phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài hiện không còn thích hợp.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, bối cảnh thời đại đã thay đổi, sự xuất hiện một loại ngành công nghệ mới mang tính cách mạng và có chu kỳ ngắn hơn đòi hỏi mọi nền kinh tế phải điều chỉnh để thích nghi, và Việt Nam cũng không ngoài guồng quay đó.
Từ tháng 7/2018, bốn đơn vị nghiên cứu và tư vấn lớn của Việt Nam là Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới đã phối hợp chặt chẽ để xây dựng một mô hình tăng trưởng kinh tế mới cho Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo nhóm, nguyên nhân các quốc gia trên thế giới mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình là do chậm chuyển sang mô hình thích lũy tri thức và năng lực công nghệ yếu. Để đưa Việt Nam vượt qua được bẫy trên và tăng trưởng bền vững, chiến lược đề xuất cho giai đoạn thu nhập trung bình (dự kiến trước năm 2045) là “Mô hình tăng trưởng dựa vào Đổi mới sáng tạo”, nhằm mục đích tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), dựa trên việc thực hiện đồng thời 3 động lực chính là (i) tăng cường năng lực KH-CN, ĐMST và khuyến khích tinh thần doanh nhân; (ii) đẩy mạnh phát triển nguồn vốn con người và (iii) cải cách thể chế đồng bộ.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng 4 kịch bản tăng trưởng cho giai đoạn, trong đó Ngân hàng thế giới đặt tên kịch bản khả thi nhất là “Đổi mới 4.0” với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đặt ra là 7%/năm. Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng việc thay đổi cầ thực hiện tuần tự, nhưng trước hết Việt Nam nên tập trung vào tiếp nhận công nghệ mới (adopt) thay vì phát minh (invent) mới.
TS. Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng, “Đây là kịch bản cực kỳ tham vọng và táo bạo, nhưng sẽ rất cần thiết nếu Việt Nam muốn trở thành con hổ mới.”
Ngô Hà