Đây là ý kiến của ông Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam” - trong buổi trao đổi với phóng viên Báo Khoa học và Phát triển về vấn đề sách khoa học đang chưa được coi trọng đúng mức.

Ông Nguyễn Quang Thạch – một người rất tâm huyết với sách khoa học. Ảnh: H.T
Ông Nguyễn Quang Thạch – một người rất tâm huyết với sách khoa học. Ảnh: H.T

Được biết, ông từng lên tiếng về việc các hiệu sách thiếu tấm biển hiệu dành cho mục sách khoa học. Ông có thể nói cụ thể hơn về hiện tượng này và cảm nhận cá nhân của ông? Đâu là những hậu quả của việc xem nhẹ sách khoa học?

Thật xót xa cho sự phát triển của xã hội khi tấm biển sách khoa học trong hiệu sách lại trở thành đề tài của báo chí. Việc đơn giản là gọi tên các nhóm sách khoa học trong hiệu sách để người mua lựa chọn cho họ và con cháu họ mà các nhà sách lại không làm. Khoa học là sức mạnh của tất cả các quốc gia. Tàu ngầm, tên lửa, máy bay, nồi cơm điện, tủ lạnh… là các sản phẩm khoa học. Muốn có sản phẩm khoa học thì chúng ta phải có tri thức khoa học.

Muốn có nhiều nhà khoa học thì chúng ta phải nuôi dưỡng niềm đam mê khám phá và thực hành khoa học cho trẻ em. Đương nhiên, chúng ta phải có sách khoa học cho trẻ em và hiệu sách là nơi đưa sách đến người đọc. Nhiều ông bố, bà mẹ đã nản khi phải luôn mồm hỏi sách khoa học cho thiếu nhi ở đâu? Nếu có tấm biển như “Kiến thức khoa học” để các ông bố, bà mẹ và các em học sinh biết và chọn sách thì chẳng ai phải nhọc công và bức xúc cả.

Chúng ta cứ nói điều to tát, nhưng mầm khoa học đã bị diệt từ hiệu sách, từ sự thiếu giáo dục ở những nơi biểu thị giá trị khoa học cao nhất. Khi chúng ta thiếu sách khoa học, không dịch sách khoa học của phương Tây, Nhật Bản,… một cách có hệ thống cho học sinh tiểu học lẫn đại học thì hậu họa là ngành công nghiệp mãi què quặt, nông nghiệp mãi lạc hậu và an ninh quốc gia thường xuyên bị đe dọa.

Theo ông, tại sao lại có sự “ghẻ lạnh” sách khoa học như vậy? Ông từng nói chuyện với các nhà sách, thư viện chưa và họ giải thích như thế nào ?

Chúng ta là quốc gia vay mượn nhiều thứ. Giáo dục đã không coi trọng học đi đôi với hành và học qua hành, thành ra nhu cầu sách khoa học không nhiều. Hệ giá trị xã hội coi trọng nhà to và xe hơi hơn là coi trọng những ai tạo ra đẳng cấp quốc gia bằng các sản phẩm khoa học chinh phục nhân loại.

Tôi đã đến nhiều hiệu sách nhưng người ta chỉ trả lời qua quýt rằng sách ở góc này, góc kia chứ không nói rõ ràng. Thực ra, nhiều nhân viên bán sách không đủ độ sâu để hiểu về tầm quan trọng của sách khoa học. Còn khi tôi về các thư viện nông thôn thì sách khoa học gần như bằng không.

Có ý kiến cho rằng các nhà sách đã không hoàn thành chức năng giáo dục con người khi chưa có sự trân trọng đúng mức với sách khoa học, từ đó thổi lên ngọn lửa đam mê đọc sách khoa học, tìm hiểu khoa học. Ông nghĩ sao về vấn đề này và về vai trò của nhà sách trong việc khơi gợi tình yêu với sách khoa học từ độc giả?

Nơi bán sách là nơi dung chứa tri thức giáo dục đại chúng và chính thống. Ở nơi đó mà xem thường sách khoa học thì họ đã làm việc phản giáo dục.

Tệ hơn, là họ thiếu kiến thức về bán hàng và marketing. Chỉ cần một dòng để tác động vào mắt kích thích người mua sách mà không làm được thì sự yếu kém rõ mười mươi.

Tiến sỹ Giáp Văn Dương từng nói, những người đang nghiên cứu và giảng dạy khoa học ở Việt nam cũng phải chịu trách nhiệm trong việc chưa tham gia giới thiệu và chuyển ngữ sách khoa học, ông nhận định thế nào về ý kiến này? Giới khoa học - theo ông - cần làm gì trước thực trạng sách khoa học đang bị xem nhẹ?

Dịch các nhóm sách khoa học để tạo ra hệ tri thức liên ngành là việc tối cần thiết cho mọi quốc gia.

Giữa thế kỷ 19, trí thức Nhật Bản bắt đầu dịch sách khoa học, triết học… của Anh, Mỹ, Đức… để người Nhật có tri thức khoa học hệ thống từ thấp đến cao. Nhờ vậy mà đầu thế kỷ 20, người Nhật đã có tàu thủy, máy cày. Họ đã trở thành cường quốc công nghiệp từ nửa đầu thế kỷ 20.

Bởi vậy, chúng ta cần học ngay cách người Nhật Bản, Hàn Quốc... đã làm là dịch sách khoa học của phương Tây để phổ biến trong hệ thống giáo dục chính thống và đại chúng. Dự án dịch sách và phổ biến sách khoa học quan trọng gấp hàng trăm lần xây dựng công sở trị giá vài ba ngàn tỷ. Nhà nước lẫn các doanh nghiệp cần dành ngân sách đầu tư cho sách khoa học để tạo nền móng cho sự phát triển đất nước và sự tồn vong của chế độ chính trị.

Được biết, trong 11 năm qua, số lượng sách khoa học được phát hành ở Việt Nam chưa qua được con số 200 đầu sách? Đâu là nguyên nhân của thực trạng này, thưa ông? Và phải chăng đây là lý do sách khoa học dần bị quay lưng lại?

Như đã nói ở trên, lối dạy học một chiều kiểu nho giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta. Học sinh chúng ta không có nhiều cơ hội trải nghiệm sáng tạo.

Chúng ta chưa áp dụng lối học qua hành để học sinh có tư duy logic và tư duy hệ thống. Giả sử rằng nếu học sinh được dạy chế tạo mô hình máy bay, tên lửa và tham gia chế tạo mô hình tên lửa và máy bay từ nhỏ thì các em sẽ ghi dấu trong tâm thức những cách làm một cách tự nhiên. Niềm đam mê khoa học và ham muốn tìm kiếm tri thức khoa học phải bắt đầu từ nhà trường và đưa sách khoa học vào nhà trường là việc tối cần thiết.

Ông nghĩ thế nào về vấn đề truyền thông cho sách khoa học ở nước ta? Nên chăng có những đợt truyền thông rầm rộ, với sự tham gia của những cơ quan liên quan, để người dân dần nhận thức được vai trò của sách khoa học?

Theo tôi, chúng ta cần tăng cường giáo dục khoa học qua thực hành cho mọi cấp học, song song với dịch sách để phổ biến trong hệ thống nhà trường để học và hành được chú trọng.

Đương nhiên, chúng ta cần truyền thông để tạo nhận thức xã hội về tầm quan trọng của khoa học, về các nhà khoa học có sản phẩm cụ thể, về những học sinh có sáng chế, về nông dân có sáng chế để kích tích toàn xã hội sáng tạo và sáng chế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng chương trình “Sách hóa nông thôn” - với mong muốn là có được 300.000 tủ sách trên toàn quốc vào năm 2017, giúp 10 triệu học sinh nông thôn có sách đọc.