Chiều 27/9, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) của Quốc hội tổ chức hội thảo: “Tình hình thực thi Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) 2006 trong các doanh nghiệp (DN): Thực trạng và đề xuất sửa đổi”.

Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng đồng chủ trì hội thảo.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bích Ngọc

Ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN - nêu lý do phải sửa đổi Luật CGCN 2006, nhấn mạnh sự cần thiết phải có hệ thống quản lý, giám sát đảm bảo sự minh bạch nhằm hạn chế CGCN lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Việc soạn thảo Luật CGCN sửa đổi được nghiên cứu, xây dựng theo tinh thần đánh giá những tồn tại của luật hiện hành, đưa ra những quy định nhằm ngăn chặn công nghệ lạc hậu cũng như tình trạng chuyển giá thông qua hoạt động CGCN, đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài và CGCN dùng vốn nhà nước.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại diện các DN, hiệp hội ngành nghề và cho rằng bản dự thảo luật hoàn thiện đến thời điểm này là kết quả của trí tuệ tập thể của Ủy ban KH-CN&MT Quốc hội, đại diện các cơ quan, DN.

Theo Bộ trưởng, tinh thần của luật sửa đổi hướng tới thúc đẩy thị trường công nghệ, hỗ trợ tối đa để DN có thể ứng dụng, đổi mới công nghệ; đưa nhanh nhất kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thông qua việc công bố, đánh giá sản phẩm để DN có thể tiếp nhận được công nghệ. Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ có những quy định kiểm soát chặt các công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, ông Dũng tin tưởng với sự tâm huyết của cơ quan soạn thảo cũng như sự đồng lòng đóng góp trí tuệ tập thể của các cơ quan, ban ngành, chắc chắn Luật CGCN sửa đổi khi được Quốc hội thông qua sẽ thực thi được nhiệm vụ ngăn chặn để Việt Nam không trở thành bãi rác công nghệ.